không hề yêu nhau mặc dầu rất thương nhau, hiểu nhau… Tôi vẫn cầu giời
khấn phật cho anh ấy tìm thấy hạnh phúc, tìm được người vợ xứng đáng. Vì
vậy, tôi rất mừng khi được biết là anh ấy yêu cô Diễm…
Nghe Hằng kể lể, Thúc bất giác thở ra như người vừa trút được một ám ảnh
đè nặng lên tâm trí. Thúc thân mật hỏi Hằng:
- Đời sống của Hằng lúc này ra sao?
Thúc đã—vô tình hay hữa ý—đổi cách xưng hô, bỏ tiếng “bà” già nua, kiểu
cách, thay bằng cách gọi tên tục của Hằng. Hằng nhận ngay thấy sự thay
đổi, nhưng nàng làm như không để ý tới, tuy trong thâm tâm, nàng không
khỏi xúc động khi thấy Thúc thốt gọi tên mình…
Tuy nhiên, nàng vẫn gọi Thúc bằng “ông” và giọng Hằng hơi trầm khi trả
lời Thúc:
- Cũng lằng nhằng như mọi người. Về vật chất thì tôi dạy ở một trường
Trung học Pháp, lương cũng tạm đủ sống… Còn về tinh thần thì… nhiều
lúc cũng khủng hoảng, sống bên lề cuộc đời… Thế hệ này đâu còn là thết
hệ của bọn tôi và ông, có phải thế không ông?
Thúc đưa chén trà lên uống cạn, tự động rót cho mình một chén khác, rồi
mới hỏi Hằng:
- Nhưng chả lẽ Hằng lại… “độc ẩm” suốt đời hay sao? Một người đàn bà
như Hằng khó lòng mà “độc ẩm” mãi được. Dù sao thì Hằng cũng phải
nghĩ đến chuyện lấy… một người nào, yêu một người nào chứ?
Hằng cười buồn, thẳng thắn trả lời Thúc:
- Thú thật với ông, trước kia tôi cũng đã nghĩ tới chuyện lập gia đình…
Nhưng bây giờ thì hết rồi…Tô không phải là người khó tính, nhưng tôi
hiểu là mỗi người chúng ta có một số kiếp, mà số kiếp tôi không phải là cái
số kiếp may mắn của những người có chồng con đường hoàng, có hạnh
phúc giản dị, đường hoàng. Cùng lắm, thì tôi sẽ tìm một người yêu, một
người yêu… dối già… chứ còn lấy chồng thì… hết lấy nỗi rồi…
Thúc để ý hai tiếng “cùng lắm” của Hằng và mỉm cười nhắc lại:
- “Cùng lắm” mới tìm một người yêu?
Hằng cũng cười:
- Vâng, “cùng lắm”!