lại và ấn hành dưới tên chung là Ý chí cường lực (Der Wille zur Macht).
Ảnh hưởng Nietzsche thật rộng rãi và sâu đậm. Ngay từ khi Nietzsche còn
sống, vào năm 1888, Georg Brandes đã giảng dạy tư tưởng của ông tại đại
học Copenhague. Sau đây, ta chỉ kể một số ít nhà văn, nhà thơ lớn chịu ảnh
hưởng và tôn thờ ông: Rilke, Stefen George, Thomas Mann, Shaw... Trong
lĩnh vực triết học, Nietzsche được xem là một trong những ông tổ của “triết
học hiện sinh”; Jaspers, Heidegger, Sartre đều là những kẻ theo Nietzsche,
vượt Nietzsche hoặc chống Nietzsche. Trong giới âm nhạc, Richard
Strauss, Mahler và Delius đã đem tác phẩm Nietzsche phổ nhạc. Hằng năm,
con số những sách vở và tạp chí viết về Nietzsche bằng đủ mọi thứ tiếng
trên thế giới đạt đến một số lượng khổng lồ.
Trong thiên tự truyện Ecco Homo (Đây là con người ấy!). Nietzsche đã
thuật lại tỉ mỉ sự khai sinh và phôi dựng khúc trường thi Zarathustra mà ta
có thể ghi thành niên biểu như sau:
Tháng 8.1881: tại Surleij, bên một tảng đá dựng, Nietzsche đột nhiên bị
tràn ngập chói lòa bởi thị kiến về sự Quy hồi vĩnh cửu của vạn vật. Từ đây,
thị kiến này sẽ ám ảnh tâm hồn Nietzsche khôn nguôi và sẽ trở thành một
trong những chủ đề chính yếu của tư tưởng Nietzsche.
20.8.1881: Nietzsche phác họa dự định viết một bài trường thi gồm bốn
phần, liên quan đến nhà tiên tri Zarathustra, lấy tên là Ngọ thiên và Vĩnh
cửu (Mittag und Ewigkeit).
Tháng 1.1883: mười tám tháng sau thị kiến ở Surleij, Nietzsche nhìn thấy
“... Một hóa thể thành Hai - Và Zarathustra bước qua bên cạnh tôi...” ở
Rapallo. Đã đến lúc chín mùi cho trái cây sáng tạo. Nietzsche thường nói
đùa là ông giống như loài voi, phải hoài thai suốt mười tám tháng trời mới
sinh hạ.
Từ 1 đến 10.2.1883: trong mười ngày liền, Nietzsche viết liên miên một
mạch xong phần thứ nhất của tác phẩm. Đến tháng Sáu năm 1883, phần
này được ấn hành bởi nhà xuất bản Schmeitzner ở Leipzig.
Từ 26.6 đến 6.7.1883: cũng liên tục một mạch trong vòng mười ngày,
Nietzsche viết xong phần thứ hai, sau đó được nhà Schmeitzner ấn hành