THAY LỜI TỰA
“H
oidaumahoithe” như một tiếng sấm mở đầu cho Zazie trong tàu điện
ngầm. Raymond Queneau trở nên danh tiếng và được tán thưởng, đặc biệt
trong giới trẻ đang khao khát nổi dậy.
Bởi vì, chúng ta phải nhớ tới nước Pháp của năm 1959, năm mà tác phẩm
ra đời, là một đất nước đang bị gò bó như thế nào trong những quan điểm xã
hội hết sức cứng nhắc và hẹp hòi về phương diện giáo dục và tình dục…
Phải nhớ lại cái nước Pháp xám xịt như màu áo đồng phục học trò của các
trường tiểu học và trung học phổ thông thời ấy để hiểu được sự đón nhận
hào hứng mà bạn đọc đã dành cho tác phẩm.
Zazie, với vốn ngôn ngữ sống sượng của mình (như thói quen thường
xuyên chêm ba chữ "cái đít tôi" khi bộc bạch chẳng hạn), đã trở thành mẫu
mực cho lớp trẻ nổi loạn và ngạo mạn, đang đấu tranh để phá rối những quy
chế, luật lệ, và làm phát triển những tư tưởng “từ thiện”, “phải đạo”. Lớp trẻ
ấy, mười năm sau, vào năm 1968 đã xuống đường để thay đổi bộ mặt của xã
hội. Và Zazie hẳn là đã có mặt trong đoàn người ấy!
Nhưng thành công văn học này không chỉ là kết quả ngẫu nhiên của hoàn
cảnh xã hội lúc bấy giờ: ở thời điểm này, Raymond Queneau đã là một tác
giả có tầm cỡ trên văn đàn. Rất trẻ, khi mới ở tuổi 20, ông đã đứng vào hàng
ngũ, hay nói đúng hơn là đã đi theo xu hướng của chủ nghĩa siêu thực. Rời
khỏi xu hướng này vào năm 30, ngược lại với André Breton, “giáo hoàng”
của trường phái siêu thực, ông coi tiểu thuyết như một phương tiện diễn đạt,
biểu cảm hiện đại. Chỉ ba năm sau, với cuốn Le chiendent (tạm dịch là Cỏ
hoang), Queneau đã nhận được giải thưởng đầu tiên của ông và cũng khánh
thành giải thưởng văn học này, Les Deux Magots, tên một quán rượu nổi
tiếng ở Saint Germain des Prés. Hơn thế nữa, đấy chính là đại bản doanh của
Jean Paul Sartre và Simone de Beauvoir, nơi được coi như một ngôi đền của
chủ nghĩa hiện sinh và của trí tuệ Pháp.