Trên trận chiến của những vần thơ alexandrine khuôn sáo Tôi làm bùng
dậy ngọn gió cách tân táo bạo và chụp chiếc mũ đỏ tươi lên cuốn từ điển cũ
kỹ cỗi cằn…
Tác giả vốn hết sức tò mò này quan tâm đến mọi lĩnh vực, nhất là lĩnh vực
toán học (ông đã gia nhập Hội Các Nhà Toán Học năm 1948) và áp dụng
môn khoa học này vào văn học. Và dựa trên ý tưởng đó, ông sáng lập một
nhóm văn học quan trọng, nhóm Oulipo. Tập hợp quanh ông là những nhà
văn như Italo Calvino, như Goerges Perec (người đã viết cuốn tiểu thuyết La
Disparition, tạm dịch là Biến mất, mà không hề sử dụng một chữ “e” nào),
những nhà thơ như Jacques Roubaut và những nhà toán học danh tiếng.
Theo những người có nhiệt huyết không muốn nền sáng tạo nghệ thuật đi
theo lối mòn, thì các nghệ sĩ phải luôn luôn đưa ra cho mình những khó
khăn, thử thách và tìm tòi mới. Chỉ có như thế thì sự tự do sáng tạo nghệ
thuật mới có thể phát triển và người ta mới có thể hình dung ra những hình
thức biểu cảm mới. Họ tóm tắt ý tưởng này như sau: “Những con chuột xây
cho mình con đường xoáy trôn ốc mà chính chúng đặt ra nhiệm vụ là phải tự
thoát ra được.”
Raymond Queneau, khi cho ra đời Zazie, đã nắm vững được tất cả các thể
loại văn học. Trong một tác phẩm ngay trước đó, với tựa đề hết sức minh
bạch là Exercices de style (tạm dịch là Thử nghiệm phong cách) đã chứng
minh cho chúng ta điều đó. Ông đã thích thú kể lại bằng 99 kiểu khác nhau
một câu chuyện nhỏ rất đỗi bình thường về cuộc gặp gỡ trên một chuyến xe
buýt. 99 phong cách văn học khác nhau: ly kỳ hay mạo hiểm, lãng mạn hay
thô thiển trắng trợn, hiện đại hay cổ điển như thể loại alexandrine, v.v.
Không nghi ngờ gì nữa: Zazie trong tàu điện ngầm là một tác phẩm văn
học rất kỳ công. Dưới một hình thức cấu trúc có vẻ hơi lộn xộn là một câu
chuyện được xây dựng hết sức chặt chẽ với các tình huống khác nhau, trong
đó nhân vật chính phải vượt qua nhiều thử thách. Câu “Con già đi!” kết thúc
truyện như tiếng còi báo hiệu thời thơ ấu của cô bé Zazie đã đi qua.
Đây cũng là một hình thức “road movie” (phim hành trình). Trong cuộc
chạy đua ấy, bằng những lời lẽ rất “phóng khoáng” và cái nhìn trong sáng