Cũng như vậy, Raymond Queneau trở nên danh tiếng và được công nhận
là một trong số những người có vai trò quan trọng trong nền văn hóa Pháp
giai đoạn sau chiến tranh. Ngay thời kỳ đó, ông đã bắt tay vào một công
trình có tính chất nền tảng: khai thác và sử dụng một chất liệu ngôn ngữ đã
hoàn toàn trút bỏ những gì thuộc về kinh điển. Loại ngôn ngữ mà ông coi là
tiếng Pháp tân hiện đại.
Theo ông, cần phải có một loại cú pháp và từ vựng gần gũi với tiếng nói,
một chất liệu và phong cách ngôn ngữ mà văn học không nên xa vời. Và nếu
cần thiết, ông sẽ áp dụng một cách thích thú, rất lâu trước khi SMS xuất
hiện, lối viết theo phiên âm. Lối viết này được ông khai thác rất rộng rãi để
sáng tác Zazie trong tàu điện ngầm, điển hình là những “câu” và những từ
như: “doukipudonktan” (D'où qu'ils puent donc tant / Từ đâu mà họ hôi đến
vậy), “essmefie” (Elle se méfie / Con bé cảnh giác), “gzactement”
(exactement / chính xác)… Được viết theo ý tưởng trên, Zazie trong tàu điện
ngầm là một cuốn tiểu thuyết để đọc thành tiếng…
Ông không ngần ngại Pháp hóa những từ tiếng Anh, biến những “blue
jeans” thành “bloudjinnze” (quần jean xanh), “glass” thành “glasse” (ly cốc)
và sáng tạo ra những từ như “factidiversialité”, một từ mới “nghe” qua có vẻ
thông thái nhưng lại là một từ không có thật, có thể hiểu là “những sự việc
vụn vặt”. Loại ngôn ngữ này chỉ tồn tại trên đường phố, được sử dụng nơi
chợ búa, sinh sôi nẩy nở trong những quán rượu. Ngôn ngữ “vỉa hè” chứ
không phải ngôn ngữ “thính phòng”. Một ngôn ngữ không giống như bất cứ
một loại ngôn ngữ nào.
Dịch Queneau, đặc biệt là dịch Zazie, như thể khai phá một vùng đất lạ,
nơi mà chiếc địa bàn chỉ định được một hướng Bắc rất mơ hồ. Bản dịch cần
tìm lại không chỉ nội dung mà cả nhạc điệu của từ ngữ trong tác phẩm
nguyên bản. Và về khía cạnh tinh thần: một cú đá đít thật mạnh vào những
thể chế và quy định già cỗi!
Và thế là Raymond Queneau, với “ngôn ngữ hiện đại mới của Pháp”, đã
trở thành đồ đệ của Victor Hugo vĩ đại, người đã tuyên bố trong bài thơ
Trầm tưởng của mình: