“Chỉ đẻ con ra mà không chăm chứ sao.” Mẹ Noãn Noãn thở dài, “Họ để
ông nội Kỷ Ức bế cô bé về nhà nuôi. Bố của Kỷ Ức là người duy nhất của
nhà họ không làm trong quân đội nên quan hệ với ông nội cô bé rất tệ. Nghe
nói ông nội Kỷ Ức nhận nuôi cô bé cũng chỉ để cho tròn đạo nghĩa, chứ
chăm sóc quan tâm là hoàn toàn không thể.”
Không hiểu tại sao anh bỗng nhớ đến chuyện cô bé tính toán xem phải
uống thuốc như thế nào, đến thuốc hạ sốt mà cô bé cũng uống rất tùy tiện,
cứ nhét bừa vào miệng uống, chỉ mong mau khỏi bệnh là sẽ không còn khó
chịu nữa.
Mẹ của Noãn Noãn là một người đa sầu đa cảm, khi nhắc lại những
chuyện này mắt bà liền hoe đỏ, “Cậu ít tiếp xúc với Kỷ Ức nên không biết,
con bé hiểu chuyện lắm. Ngày ấy khi Kỷ Ức mới bốn, năm tuổi, chúng ta
còn chưa chuyển sang ở trong khu căn hộ, con bé hằng ngày cứ ngồi trong
sân quạt bếp để sắc thuốc cho bản thân. Nó ôm đồng hồ để tính giờ rồi xong
xuôi sẽ đổ ra bát, để nguội và tự mình uống hết.” Mẹ Noãn Noãn cười khổ,
“Tôi đã từng thấy con bé dùng kéo cắt bài thi và bài văn được đăng trên báo
ra và dán tất cả những bài văn, bài thi được một trăm điểm ấy vào một
quyển vở làm quà sinh nhật cho mẹ.”
… Quý Thành Dương nghe mà thấy chua xót, anh lục túi tìm bao thuốc
nhưng chợt nhớ ra đã bỏ nó lại bệnh viện rồi.
“Tôi chỉ lo đến tuổi dậy thì Kỷ Ức sẽ hư hỏng nên đã từng hỏi nó rằng,
cháu có giận ba mẹ không, nhưng con bé lại nói rằng ‘Dì ạ, cháu đã rất
hạnh phúc rồi. Ngày xưa ông nội cháu dù phải đi chân đất cũng vẫn đỗ
được vào đại học, hồi cấp hai không có tiền đóng học phí, ông phải đi bộ
một ngày một đêm về nhà mới lấy được tiền học’… Đấy, cậu nói xem, nếu
cứ nghĩ như thế thì tất cả trẻ con ở đất nước Trung Quốc này đều hạnh phúc
hơn lũ trẻ ở Châu Phi quá nhiều, nhưng vấn đề là đâu thể so sánh như thế
được?”