“Hồi anh còn sống ở đây, người ta vẫn chưa mở trường tiểu học và trung
học cho con em bộ đội.” Quý Thành Dương vừa nhớ lại vừa nói, “Có lẽ khi
ấy chẳng có ai có nhu cầu này, nên chỉ xây mỗi trường mẫu giáo. Nhưng
bây giờ lại đóng cửa hết rồi, xem ra chỉ có những đứa trẻ sinh từ năm 80 trở
đi mới được hưởng thụ những phúc lợi này.”
Cô suy nghĩ, cảm thấy rất thú vị: “Tức là ngay từ nhỏ, anh đã được ra
ngoài học rồi ư? Thích ghê!”
“Với con trai thì cũng được,” Quý Thành Dương đáp, “nhưng con gái lúc
nhỏ vẫn nên ở trong môi trường đơn giản dễ chịu thì hơn.”
Anh vừa đi vừa ngắm ngôi trường tiểu học của cô.
Tường bao xung quanh trường tiểu học của viện rất đơn giản, chỉ cao
bằng một người đã trưởng thành, hơn nữa cũng chỉ được dựng bằng hàng
rào sắt. Ngày xưa mỗi khi anh đi ngang qua đây đều có thể trông thấy
những đứa trẻ đang trong giờ thể dục, nếu sớm hơn một chút, thậm chí còn
thấy mấy chục đứa trẻ đứng trên sân, cao giọng hát quốc ca.
Lúc ấy, anh vẫn chưa cảm thấy có gì khác biệt.
Nhưng bây giờ nghĩ lại, có lẽ trong số đó đã từng có cả Kỷ Ức, cô bé nhỏ
người, chắc chắn sẽ được đứng đầu hàng.
Kỷ Ức đi ngang qua những hàng bạch dương xanh mượt trước dãy lớp
học, nhảy lên những bậc thềm: “Ở đây mỗi khối chỉ có một lớp, mỗi lớp
khoảng tám, chín học sinh. Đến giờ chào cờ, toàn trường cũng chưa đủ sáu
mươi người.”
Khi đi tới lớp học thứ tư, Kỷ Ức phát hiện ra những cửa sổ bên trong đều
được dán kín lại bằng báo.