Kỷ Ức đứng trước quầy thu tiền của quán đậu tương Vĩnh Hòa, ngước
lên nhìn giá các món ăn.
“Ấy, chết thật, mình quên mang ví rồi!” Sắc mặt cô bé đứng bên cạnh
bỗng thoắt thay đổi, cô bé ngại ngùng nhìn Kỷ Ức, “Phải làm sao bây giờ,
thưa cô giáo Kỷ? Em đi vội quá nên để quên ví tiền trên bàn rồi…”
“Không sao đâu.” Kỷ Ức bị gọi là “cô giáo” cũng cảm thấy rất ngại
ngùng, “Tôi có mang đây, để tôi mời.”
Cô bé này cũng vừa tốt nghiệp đại học liền vào làm ở công ty nhà nước,
nên ghi nhớ rất kỹ việc phải giữ thái độ tôn trọng đối với các bậc thầy cô
phóng viên. Cô bé cứ liên tục xin lỗi Kỷ Ức, đợi đến khi cả hai người họ
đều đã mua xong suất cơm phần và ngồi xuống bên cạnh cửa sổ để ăn, cô
bé vẫn rất áy náy nói: “Công ty chúng ta có thanh toán chi phí tiếp khách
đấy ạ, em thật sự không nên để cô mời, xin lỗi cô giáo Kỷ nhé, em xin lỗi.”
“Không sao thật mà, tôi cũng có thể thanh toán với công ty được.” Kỷ
Ức buộc phải tiếp tục an ủi.
Lúc Kỷ Ức cười sẽ để lộ chiếc răng nanh nho nhỏ, khiến cô trông rất dễ
gần.
Thực ra, vì cô là thực tập sinh nên chỉ có phí hỗ trợ tiền ăn, chứ không
thể thanh toán với công ty được.
Bữa ăn này có hai suất cơm, đã là tiền ăn cả một tuần của cô. Trên đường
trở về tòa soạn, cô phải tính toán lại các chi phí phân bố cho tiền ăn tuần
này. Khi Kỷ Ức đi bộ từ bến xe buýt về đến trước tòa soạn thì bắt gặp đồng
nghiệp Hà Phi Phi nhảy xuống khỏi xe taxi, trông thấy cô liền oán trách:
“Sao cậu không gọi taxi thế? Nếu đi ra ngoài vì công việc thì được thanh
toán mà?”