công nghệ, sản xuất và quốc phòng. Sự dừng lại đột ngột của các hoạt động
quảng cáo khiến cho ngân sách quảng cáo truyền hình địa phương bị sụt
giảm đến 10 lần.
Một ngày nọ, đài truyền hình tôi đang làm việc đã triệu tập cuộc họp toàn
công ty. Đây là một buổi họp công ty đột xuất đầy vẻ u ám. Sếp lớn bay đến
từ Seattle trên chiếc chuyên cơ riêng và mở màn rất ngắn gọn: vị tổng giám
đốc của đài bị phế truất, đài đang làm việc không hiệu quả, vì thế sẽ thực
hiện việc tinh giảm biên chế. Tất cả chỉ có vậy. Mọi người ngồi lặng đi. Rất
lâu sau, một câu hỏi vang lên “Bao nhiêu người sẽ mất việc?”. Ông ta trả lời
“Anh hãy nhìn quanh đi. Rất có thể người ngồi cạnh anh hôm nay sẽ không
còn đi làm vào ngày mai”. Rồi ông ra khỏi phòng và không xuất hiện thêm
một lần nào nữa. Tôi đã tồn tại sau đợt giảm biên chế đó và tiếp tục là
phóng viên thường trú chính của đài trước khi chuyển sang làm với Lou
Dobbs ở CNN. Nhưng cho đến tận hôm nay, tôi vẫn không thể nào quên
được cách thức giao tiếp của người quản lý đó.
Đằng sau “cơn lũ một trăm năm”
Mười năm sau câu chuyện xảy ra tại đài truyền hình của hãng Fox mà tôi đã
kể trên, California phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng khác và lần này
còn nghiêm trọng hơn lần trước. Bong bóng dot-com đã vỡ tan làm cho thị
trường chứng khoán sụp đổ cùng với hơn 7.000 tỷ đôla của cải. Đột ngột,
lượng đơn đặt hàng của Cisco Systems, công ty chuyên sản xuất các thiết bị
hỗ trợ hoạt động Internet, sụt giảm nhanh chóng. John Chambers không còn
cách nào khác ngoài việc phải giảm biên chế khoảng 6.000 nhân viên - một
con số kỷ lục trong lịch sử công ty. Bản thân Chambers cũng cảm thấy chán
nản. Nhưng ông vẫn duy trì thông lệ họp mặt và ăn sáng chung hàng tháng
với các nhân viên để chúc mừng các sinh nhật trong tháng và khuyến khích
mọi người nêu lên những vấn đề mà họ đang vướng mắc.
Theo Ron Ricci - Phó chủ tịch điều hành, lúc ấy Chambers cũng vẫn giữ
thông lệ thanh toán những khoản trợ cấp được xem là hào phóng nhất trong