Ông trùm tiếp thị công nghệ cao Geoffrey Moore là một trong những tác giả
hiếm hoi đã đạt được địa vị siêu sao trong cộng đồng doanh nghiệp. Quyển
sách của ông, tác phẩm Crossing the Chasm , được xem là một trong những
quyển sách kinh doanh có sức tác động mạnh mẽ nhất trong thế kỷ 20.
Trong một buổi nói chuyện, tôi đã hỏi Moore:
- Điều gì đã làm cho ông trở thành một diễn giả năng động như vậy?
Ông trùm tiếp thị công nghệ cao nói rằng:
- Trước khi bắt đầu buổi nói chuyện của mình, tôi ‘tra hỏi’ ban tổ chức sự
kiện về thành phần khán giả tham dự. Họ suy nghĩ như thế nào? Điều gì có
thể giữ chân họ ở lại đến tối? Sau đó tôi chuẩn bị hai hoặc ba đoạn nội dung
ban đầu để tạo ra cầu nối giữa vị trí hiện tại của khán giả và mục tiêu mà tôi
cần họ vươn đến để bắt đầu buổi nói chuyện.
Moore nói rằng ông không bao giờ nói chuyện theo một kiểu đã định sẵn.
Mà thay vào đó:
- Tôi dành ra 1 giờ nói chuyện qua điện thoại với những người tài trợ cho
sự kiện để hiểu được bối cảnh, dự định, khán giả, mối quan tâm của họ và
sau đó tìm ra điểm chung giữa các ý tưởng và mô hình của bài nói và các
vấn đề và các mối quan tâm trong cộng đồng của họ. Dựa vào đó, tôi sẽ
dựng nên một chủ đề then chốt. Kết quả là chỉ cần bổ sung thêm một vài
điều nữa, tôi sẽ có một buổi nói chuyện thành công như ý. Điểm mấu chốt ở
đây là bạn có sẵn lòng tiếp nhận quan điểm của khán giả để làm điểm khởi
đầu cho bài nói của mình hay không, thay vì chỉ đưa ra bài diễn thuyết
chuẩn có phần cứng nhắc của cá nhân bạn.
Một lưu ý quan trọng khác chính là khả năng thay từ “tôi” thành “chúng ta”.
Thay vì nói rằng “Đây là đề tài của tôi,” bạn hãy mạnh dạn chuyển trọng
tâm sang khán giả. Hãy tự hỏi bản thân rằng “Khán giả muốn biết điều gì từ
mình?”.