lúc bạn thực hiện nó. Ở thời điểm đó, hãy nhập vai và hiểu rõ vai diễn của
mình.
Ở trường trung học, tôi thường phàn nàn về một môn học chán ngắt. Mẹ
tôi bảo: “Donald, không có môn học nào là chán ngắt cả. Cái chán ngắt
chính là việc con không chịu cố gắng tìm ra điều khiến môn học đó thú vị”.
Trong suốt cuộc đời tôi, với vô vàn tình huống xảy ra ở nhiều quốc gia
khác nhau, tôi làm việc một cách có ý thức để có thể thích thú công việc
ngay từ đầu và tạo ra một mối liên hệ cảm xúc đối với những người liên
quan. Tôi đã cố gắng một cách nghiêm túc để bỏ qua những chuyện nhỏ
nhặt và tiếng đồn, lắng nghe một cách chăm chú người mà tôi cùng làm
việc và tìm ra điều gì khiến họ đặc biệt thích thú. Và trong chốc lát, tôi
nhận thấy tôi có thể chia sẻ sở thích hay điều quan tâm đó của họ.
Tôi đã gặp rất nhiều những tình huống khó chịu đến mức tôi đã từng ước
mình không phải làm một công việc nào đó. Nhưng tôi xem xét lại tình
huống và tự mình suy nghĩ một cách nghiêm túc “Liệu trong tình huống
này có điều gì là tốt không? Đâu là “phần thưởng” của nó? Tôi có vai trò gì
khiến “phần thưởng” đó xảy ra?” Và khi đã lưu ý tìm mặt tích cực của vấn
đề thì tôi thường tìm ra một điều gì đó tốt đẹp thực sự. Thậm chí cả khi
phải sa thải một ai đó – nhiệm vụ tồi tệ nhất mà một người phải làm – tôi
cũng tìm ra một cách nào đó để hướng dẫn người đó đến với một công việc
tốt hơn hoặc một công ty phù hợp hơn.
Bạn phải có đam mê với công việc sắp tới để đạt được một kết quả tốt
nhất có thể. Cách nhanh nhất để phát triển niềm đam mê trong bạn khi bắt
đầu một công việc kinh doanh là tập trung toàn bộ tâm trí của bạn vào bốn
yếu tố: khách hàng, nhãn hiệu, nhân sự và cuối cùng là mơ ước của bạn.
Tạo một mối liên hệ cảm xúc với khách hàng.
Hằng ngày, bạn hãy tự nhắc nhở mình điều khách hàng tìm kiếm, mong
đợi và muốn công ty bạn mang đến cho họ. Sản phẩm ư? Dịch vụ ư? Kinh
nghiệm ư? Hay là sự giúp đỡ, quan tâm, lời khuyên hay sự tư vấn? Cũng có
thể là tất cả những điều đó. Có thể những khách hàng khác nhau sẽ mong