sĩ Daniel Patrick Moynihan đã từng coi nó là sự suy thoái theo xu hướng đã
được định sẵn.
Năm 1969, Philip Zimbardo, một nhà tâm lý học ở Stanford đã thực hiện
một thí nghiệm nổi tiếng. Hai chiếc xe không mui và không biển số đăng
ký được bỏ lại, một chiếc ở Bronx, New York và một chiếc ở Palo Alto,
California. Chiếc xe ở Bronx gần như ngay lập tức bị tháo dỡ và trở thành
rác.
Ở Palo Alto, mọi chuyện diễn ra theo một cách khác hẳn. Đầu tiên là
không có gì thay đổi. Chiếc xe được để nguyên, không ai đụng đến trong
suốt hơn một tuần. Rồi một ngày sau đó, chính nhà tâm lý học này cầm một
cái búa tạ đến và bắt đầu phá cái xe. Ngay sau đó, những người qua đường
thay nhau dùng búa phá cái xe cho đến lúc nó hoàn toàn bị phá hủy. Cuộc
thí nghiệm đó đã dẫn đến một lý thuyết về tội phạm “phá hoại cửa sổ” – ý
tưởng chính của lý thuyết này là nếu một chiếc cửa sổ bị vỡ của một tòa
nhà không được sửa chữa, những kẻ phá hoại sẽ nhanh chóng phá nốt phần
còn lại của cửa sổ. Lý thuyết này nói: “Không ai quan tâm đâu. Hãy phá
cửa sổ và nếu bạn vẫn không gặp phải rắc rối nào cả thì hãy phá thêm nhiều
cái nữa. Mọi chuyện sẽ vẫn ổn thôi”.
Ở một mức độ nào đó, môi trường kinh doanh một vài năm trước có một
số phận tương tự. Những vi phạm về đạo đức nho nhỏ được bỏ qua.
Một lý do nữa khiến tham nhũng trở nên phổ biến là chúng ta bắt đầu bỏ
ra một khoảng thời gian bất thường để chu cấp, phụng sự cho những người
bạn quý báu có khả năng tạo nên “thị trường” – những nhà phân tích của tờ
báo Wall Street.
Trong hầu như suốt 120 năm kinh doanh, công ty Coca-Cola hầu như
không có quan hệ gì với Wall Street. Những báo cáo thường niên hoành
tráng mà công ty phát hành chỉ bao gồm tám trang giấy mỏng in mực đen
và không có một bức tranh nào. Quan điểm của công ty là: “Điều bạn muốn
biết đã có ở trong đó. Hãy đọc nó”.