mắt tuyệt đối bất động, đến nỗi hai mắt chàng vẫn cứ mở lớn ngay cả lúc
đang ngủ. Một hôm, trong khi chàng đang ngồi nhìn đăm đăm vào khoảng
không, một con nhện đến chăng tơ lên hai hàng mi. Chàng ước đoán từ nay
có thể tái kiến thầy.
Khi Chi-Ch’ang tường trình những gì chàng đã tập luyện, ông Wei Fei
nói: "Luyện được đôi mắt không nháy chỉ là mới bắt đầu. Bây giờ phải học
cách trông nhìn. Con hãy tập nhìn các đồ vật cho đến khi nào đạt đến mức
thấy được các vật li ti, hoặc nhìn các vật nhỏ thành lớn, bấy giờ hãy trở lại
tìm ta"
Chi-Ch’ang lại trở về nhà. Lần nầy chàng ra vườn tìm một con bọ. Khi
chàng kiếm được một con bọ thật nhỏ, nhỏ đến nỗi phải hết sức chú ý mới
nhìn thấy, chàng liền đặt nó lên trên một mầm cỏ buộc kỹ ở cửa sổ phòng
ngủ. Chàng đến ngồi ở cuối phòng và ngày nầy sang ngày khác chiêm
ngắm con bọ. Ban đầu chàng không thể phân biệt được nó, nhưng sau một
tuần lễ, chàng cảm thấy con bọ như lớn hơn. Cuối tháng thứ ba, dường như
con bọ đã lớn bằng con tằm, và Chi-Ch’ang bắt đầu phân biệt được rõ ràng
các chi tiết trên mình nó.
Trong suốt thời gian nầy, Chi-Ch’ang không buồn lưu ý đến thời tiết đổi
thay: Ánh mặt trời tươi sáng của mùa xuân biến mất, nhường bước cho
những tia nắng gay gắt của mùa hè. Thế rồi mùa thu tới với đàn thiên nga
bay lượn trên nền trời xanh trong vắt. Và chẳng bao lâu sau, mùa đông lù lù
kéo đến với sương mù cùng mưa phùn ảm đạm. Với Chi-Ch’ang, chàng chỉ
biết có sự hiện diện của con vật trên ngọn cỏ. Nếu nó có chết đi, tên tiểu
đồng liền kiếm một con khác cũng nhỏ như vậy để thay vào.
Chi-Ch’ang thật sự bất động trong phòng suốt ba năm trời. Một hôm
chàng cảm thấy con bọ đặt bên cửa sổ lớn bằng con ngựa.
"Được rồi!" chàng vỗ đùi reo lên và hấp tấp bước ra ngoài. Chàng không
dám tin vào mắt mình. Những con ngựa đối với chàng hình như lớn bằng
những ngọn núi, những con heo như những ngọn đồi, và những con gà mái
lớn bằng những tháp chuông.