Đúng lúc đó thì quân Ngô phóng hỏa đốt chiến thuyền, lửa gặp gió lan
nhanh vùn vụt, toàn bộ chiến thuyền của quân Tào chìm trong biển lửa,
thuận gió ngọn lửa còn cháy lan cả lên bờ, thiêu trụi quá nửa doanh trại
quân Tào, khi đo, Chu Du phát lệnh tấn công, kết quả quân Tào đã bị thảm
bại.
Từ đó cục diện 3 nước Ngụy, Thục, Ngô được hình thành. Sau đó Chu
Du và Trình Phổ dẫn thủy, bộ binh đánh bại đại quân của Tào Nhân, mở
rộng căn cứ địa trọng yếu là Kinh Châu cho Tôn Quyền. Trong hơn 10 năm
chinh chiến của mình, Chu Du đã nam chinh bắc chiến, không rời mình
khỏi yên ngựa, đánh đâu thắng đó. Chu Du thời trẻ vinh quang, lập nhiều kỳ
tích, điều này là do tài năng quân sự xuất chúng và thiên tài thống soái của
ông mang lại.
Ông là người có con mắt chiến lược, nhìn xa trông rộng, rất giỏi trong
việc phân tích, so sánh, đánh giá thực lực mạnh, yếu giữa ta và địch, đưa ra
những chiến lược, mưu kế cho những tình thế khác nhau. Trong chỉ huy
chiến đấu, ông rất chủ động và linh hoạt. Ông đã vận dụng rất tốt nguyên
tắc đánh trận của Tôn Tử: "Nước do đất mà hình thành dòng chảy, binh do
địch mà giành được chiến thắng, vậy cho nên binh không có thế cố định,
nước không có hình cố định".
Chương 10: Gia Cát Lượng (Zhu
Geliang)
Gia Cát Lượng (181 - 234) tự Khổng Minh, người huyện Dương Đô quận
Lang Nha thuộc Từ Châu thời Đông Hán (nay là phía Nam huyện Nghị
Thủy, tỉnh Sơn Đông).