đường cách mạng. Chị gái là Đào Hải - cô giao liên ZT của Khu ủy với
phong trào vùng mỏ bị đánh phá dữ dội nhất, đã làm cho cậu bé Lộc sớm
giác ngộ Cách mạng, đi theo Cách mạng từ năm 13 tuổi. Sớm phát hiện ra
tư chất thông minh của Đào Phúc Lộc, Tô Hiệu đã giác ngộ và kết nạp anh,
chỉ mới 16 tuổi, vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Và ít ai ngờ rằng, căn nhà
trọ của hai chị em Hải, Lộc lại trở thành điểm công tác tạm thời của cơ
quan bí mật Khu ủy lúc này.
Năm 1940, trong một chuyến đi công tác, Đào Phúc Lộc bị bắt. Anh bị
kết án tù 2 năm, bị dẫn giải qua nhiều nhà tù, song bọn chúng đã không
khai thác được gì. Bất lực, chúng đưa anh về quản thúc tại Móng Cái trong
5 năm. Chính trong thời gian bị quản thúc và theo dõi gắt gao, Đào Phúc
Lộc đã bộc lộ những năng khiếu thiên bẩm của một nhà tình báo tài giỏi.
Anh đã khôn khéo đánh lừa bọn mật thám, vượt biên sang Trung Quốc để
bắt liên lạc với Đảng và được đồng chí Trường Chinh giao nhiệm vụ xây
dựng cơ sở ở Móng Cái, thành lập đường dây liên lạc Hà Nội - Hải Phòng -
Quảng Ninh - Móng Cái - Quảng Tây để đưa cán bộ ra nước ngoài hoạt
động.
Cách mạng tháng Tám thành công, Đào Phúc Lộc về Hà Nội, được cử
làm Trưởng phòng Tình báo Quân ủy Hội (Bộ Quốc phòng) dưới sự chỉ
đạo của Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp và Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn
Thái. Anh đã tuyển chọn 50 cán bộ Việt Minh ở Móng Cái về Hà Nội làm
công tác tình báo. Với cương vị ấy, Đào Phúc Lộc phân công công việc cụ
thể cho từng anh em phụ trách tình báo của các Liên khu. Chỉ trong vòng 2
năm (1945 - 1947), anh đã nắm được các cơ sở tình báo quân đội ở miền
Bắc, Khu IV, Khu V, Khu VI. Anh đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng
Công an (do ông Lê Giản phụ trách) và sử dụng nguồn tin quần chúng để
thu thập tin tức hàng ngày phục vụ cấp trên. Phòng Tình báo - Bộ Tổng
tham mưu lúc này đã có tổ chức đặt ở 23 thành phố, tỉnh lỵ thuộc Bắc Bộ
và Bắc Trung Bộ đến Thừa Thiên.