Đào Phúc Lộc là người đã mở các lớp đào tạo cán bộ tình báo đầu tiên
của ngành Tình báo quân sự Bắc - Nam trong những ngày đầu kháng chiến.
Năm 1946, anh đã hướng dẫn đội quyết tử tham gia đánh sân bay Gia Lâm.
Đêm 19-12-1946, ta phá hủy hoàn toàn 2 máy bay của giặc, gây tiếng vang
lớn, góp công đầu trong đêm Toàn quốc kháng chiến.
Năm 1948, Hoàng Minh Đạo (Đào Phúc Lộc) nhận lệnh điều động của
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cử vào tăng cường cho chiến trường miền Nam
đảm trách Trưởng ban Quân báo Nam Bộ với nhiệm vụ là Đặc phái viên
của Bộ Tổng tham mưu đi kiểm tra tình hình công tác phản gián, tình báo,
quân báo ở Khu IV vào đến tận Nam Bộ. Mục đích là để kiện toàn thống
nhất lại tổ chức của ngành Tình báo từ Trung ương đến địa phương để giúp
Cục có điều kiện chỉ đạo Tình báo toàn quốc. Trong thời gian này, Đào
Phúc Lộc đã từng sống ngay trong lòng Sài Gòn cùng với Phan Văn Đáng
(Hai Văn), Phó bí thư Trung ương Cục miền Nam trong một gia đình thuộc
chính quyền Sài Gòn.
Đến bây giờ, những người trong cuộc từng chứng kiến việc xử vụ án
gián điệp miền Đông năm 1950 đều thấy nhẹ nhõm bởi kết thúc vụ án: giá
như không có Đào Phúc Lộc, liệu vụ án ấy có làm nên một câu chuyện bi
thương trong lịch sử, hậu thế sẽ mãi còn đớn đau về số phận oan khiên của
34 đồng chí mình không? Năm 1949-1950, chiến trường Nam Bộ được chia
ra làm hai Phân liên khu Miền Tây và Phân liên khu Miền Đông. Riêng
Phân liên khu Miền Đông, ban lãnh đạo của Đảng có trách nhiệm với
phong trào cách mạng ở Đông Campuchia nên ngành Tình báo của ta cũng
đặt ở đấy. Trong thời gian đó, có một đồng chí (xin được giấu tên) nhiệt
tình trong công tác, nhưng không biết do từ một nguồn tin nào, có thể là ấu
trĩ, có thể do cung cấp sai, có thể quá cảnh giác mà địch, ta lẫn lộn, cũng có
thể do địch thực hiện thủ đoạn phản gián... đã báo cáo phát hiện ra một tổ
chức gồm số đông cán bộ, trong đó có nhiều đảng viên của ta từ cấp huyện
ủy đến tỉnh ủy gồm 34 người bị kết tội là gián điệp.