- Thật tội cho tiểu dân. Đó là vì quan lớn tra tấn quá nặng, tiểu
dân không sao chịu nổi nên nhận bừa tránh khỏi đau đớn. Bây giờ đại
nhân hỏi đến số bạc cùng xác chết thì tiểu nhân đành chịu bởi có ra tay
giết người đoạt của đâu mà biết?
Nghe vậy quan huyện Trương Thời Thái nổi hung lên, chỉ mặt
Dương Thanh mắng:
- Tên gian xảo kia! Mỗi lần ngươi khai một khác. Lúc thì nhận tội
bây giờ lại chối thì còn coi ta ra thể thống gì nữa. Bây đâu! Lần này
kẹp đến khi hắn chết thì thôi.
Dương Thanh sợ quá, vội vàng nói:
- Thôi thôi! Tội dân xin khai. Số bạc ấy tội dân đã ăn chơi sạch
hết rồi, còn cái xác Mã Thái thì quăng xuống Trường Giang, chắc đã
trôi mất hoặc là làm mồi cho tôm cá còn đâu.
Quan huyện rất mừng, lập tức viết văn án bắt Dương Thanh điểm
chỉ vào rồi sai đóng gông nhốt vào ngục thất, chờ khi trình lên phủ phê
chuẩn sẽ đem hành hình sau. Những tưởng trước sau gì Dương Thanh
cũng bị chết oan nhưng số mệnh của hắn chưa đến ngày nên gặp được
phán quan nổi tiếng sáng suốt thời bấy giờ là Bao Công.
Vụ việc đã xong gần một tháng, tri phủ chưa phê chuẩn án văn thì
chợt có Bao Công theo lệnh Hoàng đế tuần thú đến thành Hiếu Cảm.
Đêm hôm đó tri phủ đưa lên tất cả hồ sơ án mạng cho Bao Công duyệt
xét. Khi ông đọc đến vụ án Dương Thanh giết người cướp của thì đã
có chút nghi ngờ bởi ngoài lời tố cáo của Nhật Tân thì hoàn toàn
không có vật chứng, nhân chứng nào. Bao Công còn đang suy nghĩ,
cảm thấy người mệt mỏi bất thường, thiếp đi một lát.
Trong giấc ngủ, Bao Công nằm mơ thấy có một con thỏ đội mũ
chạy trước án thư, định vồ lấy nó thì giật mình tỉnh dậy. Bao Công biết
ngay đây là vụ án oan, ngay hôm sau gọi Dương Thanh lên thẩm tra
lại. Biết Bao Công là vị phán quan anh minh, xét xử như thần, Dương
Thanh liền phản cung, nhất quyết khai rằng chưa hề gặp Mã Thái, chỉ
vì bị bức cung mà nhận tội bừa.