Sư cụ trụ trì cúi đầu xin nghe theo. Sau đó Lai Ngự sử lại gọi
quan huyện trước kia là Thẩm Bá Minh đến mắng cho một trận rồi
phán xử:
— Ngươi là cha mẹ của dân được triều đình tin tưởng giao trọng
trách giúp đỡ và giáo hóa dân. Thế mà ngươi mê muội bức cung xử
oan cho dân thì còn làm quan thế nào được? Ta sẽ tâu về triều đình
cách chức của ngươi, bây giờ phải đưa ra năm trăm lạng bạc đền bù
cho Thi Huệ Khanh.
Đương nhiên Thẩm Bá Minh không dám chống cự, cúi đầu tuân
theo răm rắp. Khi đã thu được số tám trăm lạng bạc, Lai Ngự sử gọi
Huệ Khanh đến, an ủi:
— Ngươi là người có tâm địa tốt lành, đã giúp đỡ hàng xóm chí
tình mà còn không lợi dụng sự cám ơn mà làm việc vô luân bại hoại.
Đây là số bạc ta đã bắt bọn sai trái đền bù, cầm lấy mà làm ăn.
Thế nhưng Thi Huệ Khanh không nhận, thưa rằng:
— Số mệnh của tiểu dân chắc là phải chịu khổ nhục như thế,
không dám oán giận Trời Phật, được đại nhân giải oan thì cũng như
chết đi sống lại rồi, còn mong cầu gì nữa. Vả chăng tiểu dân muốn
dùng số tiền dành dụm ấy làm công đức thì nay nỡ cầm tiền của chùa
được sao? Theo tiện dân thì đại nhân nên đưa số tiền ấy cho Tiểu Tam,
có thể dùng lấy vợ khác hoặc là lo liệu việc cúng tế hàng năm cho
Thương thị, để người chết oan được ngậm cười nơi chín suối.
Lai Ngự sử bằng lòng nhưng Tiểu Tam cũng không nhận, thưa:
— Từ khi phải ép buộc người vợ hiền thục phải hai lần bán thân
trả nợ, tiểu dân hầu như đã chán ngán cuộc đời, muốn được lên Ngũ
Đài Sơn xuất gia. Nay đại nhân có thể dùng số bạc đó xây dựng chùa
chiền, tạo phúc đức cho bá tánh thì hay hơn.
Lai Ngự sử thấy là hai người tầm thường mà khi mộ đạo giác ngộ
lẽ vô thường của cuộc sống đều có thể trở thành hai hòa thượng chân
chính thì rất nể phục. Ông lại nghĩ đến tên hòa thượng giết người
không gớm tay thì chợt nhớ lại hai tên hòa thượng trước kia đã giết