không dám nói ra?
Trinh Tú nấc lên, nước mắt lại tuôn ra như mưa, đáp:
- Chàng… chàng… chỉ hút có mấy hơi thuốc phiện rồi lăn ra ngủ
ngay.
Mọi người ồ lên một tiếng ngạc nhiên. Ai nấy toan hỏi thêm thì
Minh Sơn đã mau lẹ nói gạt di ngay:
- Hừm! Thế ra tên nghịch tử vẫn còn lén lút hút xách. Nhưng ta
cho rằng có hút bao nhiêu đi nữa cũng không thể chết người, cũng
không thể gây ra tình trạng xuất huyết máu nơi cửu khiếu. Ngươi biết
con ta lén hút thuốc nên mới lấy đó làm nguyên nhân cái chết chứ gì?
Đáng ra ta phải đánh chết ngươi ngay tại chỗ đền mạng cho đứa con
nhưng cả đời ta vẫn tôn trọng công minh chính trực, phải nhờ tới quan
lớn thì ngươi mới không còn oán hận ta hồ đồ được nữa.
Nói xong Vương Minh Sơn không để cho Trinh Tú biện minh
thêm, lập tức sai người trói lại rồi tự tay viết đơn kiện đưa lên huyện
đường, đề quyết Trinh Tú giết người. Ông ta vốn lanh lợi miệng lưỡi,
quen việc đầu đơn kiện cáo nên viện ra nào là “tứ đức tam tòng”, nào
là nghĩa tình phu thê, lời lẽ buộc tội hết sức vững chắc để xin huyện
quan trừng trị thật nặng đền mạng cho Thiên Hỷ mới hả lòng.
Huyện quan hoàn toàn không nắm được chi tiết và nguyên nhân
cái chết của Thiên Hỷ thế nào, cứ theo lời tố cáo của Minh Sơn mà
thăng đường xét xử. Sau khi hỏi Minh Sơn rõ ràng là Thiên Hỷ không
hề bệnh tật gì ngoài việc hút thuốc phiện, Quan huyện liền quay qua
thẩm vấn Lý Thiệu Nho. Biết rõ Thiệu Nho là người hiền lương, hiểu
rõ đạo đức thánh hiền và được triều đình cho danh hiệu Lẫm sinh,
người vợ là Lưu thị cùng với con gái Trinh Tú lại nổi tiếng đoan trang
hiền thục, tề gia nội trợ giỏi giang, quan huyện lại càng bối rối vì nhất
thời không thể đề ra nguyên nhân tại đâu. Nếu như Lý Trinh Tú không
điểm chỉ vào lời khai thì án văn không thể hoàn thành, tức là sẽ nuốt
không trôi số tiền đút lót của Vương Minh Sơn.