mới thất bại phải chịu làm thân tôi đòi cho Phù Sai. Phạm Lãi không
vì thế mà bỏ rơi chủ nhân, trung theo hầu, hy vọng nhờ tài quyền biến
của mình sẽ giúp cho Câu Tiễn nhẫn nhục qua thời điểm nhục nhã
nhất của một vị Vương hầu.
Khi Câu Tiễn và Phạm Lãi đến nước Ngô, Phù Sai liền sai Vương
tôn Hùng dựng một cái nhà bằng đá bên cạnh mộ phần của Hạp Lư,
cho vợ chồng Câu Tiễn cùng Phạm Lãi ở đó ngày ngày lo việc chăn
ngựa và săn sóc mộ phần cho Hạp Lư. Tất cả đều phải mặc áo xấu,
làm việc hèn hạ vất vả, thức ăn cũng không đầy đủ nhưng Phạm Lãi
không hề lấy thân phận Đại tướng của mình mà kêu than, trái lại bình
tĩnh kiên trì thuyết phục Câu Tiễn nên cố gắng làm vừa lòng Phù Sai
mới hy vọng có ngày được về nước tìm cách báo thù.
Cũng nhờ Văn Chủng ở nước Việt hết lòng lo liệu, đút lót cho tên
gian thần Bá Hi nên vua tôi cũng không đến nỗi chết đói. Mỗi khi Phù
Sai đi đâu đều bắt Câu Tiễn đi chân đất, dắt ngựa đi trước để bêu xấu
với dân chúng nước Ngô. Đây là cái nhục mà đến như người dân
thường cũng khó chịu đựng được nhưng Câu Tiễn nghe lời của Phạm
Lãi, cúi gầm mặt xuống, nghiến răng mà chịu đựng, mỗi khi Phù Sai
kêu gọi đều tươi cười vâng dạ. Dần dần như vậy, tất nhiên Phù Sai đã
có chút ít tin tưởng rằng Câu Tiễn đã hoàn toàn khuất phục mình.
Riêng Phạm Lãi là thân phận Đại phu nhưng sớm tối đều hầu hạ
Câu Tiễn hết lòng, không lúc nào rời khỏi. Chính Phù Sai cũng rất
khâm phục Phạm Lãi, nhiều lần gọi riêng vào cung khuyến dụ:
– Ta thấy ngươi là người tài năng tất phải biết thời thế. Hiện nay
Câu Tiễn đã là tù nhân, ngươi vẫn đi theo thì chỉ làm phí tài năng của
mình mà thôi. Nếu ngươi bằng lòng làm quan cho Ngô thì ta sẵn sàng
ban chức tước lớn. Người anh hùng phải nhìn ra thời thế, đừng nên
quá câu nệ chữ trung như vậy mới tuấn kiệt.
Phạm Lãi nhẹ nhàng tìm cớ từ chối khiến Phù Sai không khỏi tức
giận, đập bàn quát lớn: