– Ngươi cứng đầu như vậy chỉ thiệt vào thân. Câu Tiễn còn ở nhà
đá suốt đời, ngươi cũng không bao giờ có cơ hội thoát khỏi nơi đó
đâu. Phạm Lãi cúi đầu nhận lỗi rồi lặng lẽ lui ra, biểu lộ một lòng kiên
quyết không gì thay đổi.
Mấy năm sau, vợ chồng Câu Tiễn càng thêm tồi tàn, quần áo rách
rưới, người toàn là mùi phân ngựa, cặm cụi từ sáng cho đến chiều tối
lo việc kiếm củi cắt cỏ cho ngựa nhưng chưa bao giờ có một lời oán
hận. Phù Sai đã ngầm cho người theo dõi rất sát mà không phát hiện ra
điều gì sai trái của vua tôi nước Việt nên dần dần cũng không để ý đến
nữa.
Thật sự, có lúc Phù Sai cũng đã muốn nghe lời của Ngũ Viên giết
chết Câu Tiễn đề phòng hậu họa nhưng thấy cảnh cam chịu của vua tôi
Câu Tiễn thì lại do dự, lại thêm Văn Chủng bỏ rất nhiều vàng bạc đút
lót cho Bá Hi nên hễ có dịp là hắn luôn luôn nói tốt cho Câu Tiễn, còn
tìm lời khôn khéo khuyên Phù Sai tha cho vua tôi nước Việt trở về cố
quốc, dương cao lòng nhân ái để các chư hầu kính nể.
Một lần kia, Phù Sai ngồi trên đài Cô Tô tráng lệ nhìn xuống lăng
mộ của Hạp Lư, thấy vợ chồng Câu Tiễn lúi húi dọn dẹp các đống
phân ngựa, còn Phạm Lãi tuy quần áo còn tồi tàn hơn cả Câu Tiễn vẫn
uy nghiêm cầm chổi đứng hầu thì cảm xúc than rằng:
– Phạm Lãi thân là quan lớn, thế mà lúc hoạn nạn nhất vẫn giữ
được lễ vua tôi thì thật đáng kính trọng. Câu Tiễn làm nên tội thì phải
đền không nói gì, riêng Phạm Lãi có thể tha cho về nước mới đúng.
Bá Hi đang hầu bên cạnh, nghe vậy liền mở lời xin cho vợ chồng
Câu Tiễn về nước một thể. Thật ra trong lòng Phù Sai cũng đã vơi đi
hận thù rất nhiều nhưng không thể quyết được, đành nói:
– Ta sẽ nhờ quan Thái sử bói một quẻ xem tốt xấu ra sao đã.
Phạm Lãi không chỉ là danh tướng kiệt xuất mà mặt kiến thức
cũng hết sức rộng rãi, nghe tin này liền tự thân bói trước một quẻ rồi
than với Câu Tiễn: