giết Câu Tiễn hay tha về. Đồng thời vợ của Câu Tiễn cũng lén đút lót
cho bọn quân canh báo cho Bá Hi biết tin dữ.
Bá Hi liền lấy cớ vấn an, vào cung thăm hỏi bệnh tình Phù Sai
xong liền nói:
– Bệnh của Đại vương hết sức thất thường, khi nhẹ khi nặng. Nếu
như Đại vương tha cho Câu Tiễn về nhà đá như trước, biết đâu ân đức
ấy làm động lòng trời mà mau chóng khỏi bệnh chăng? Câu Tiễn hiện
như con cá trong giỏ muốn bắt giết lúc nào chẳng được, cần gì phải
giam giữ hay giết chóc trong cung làm tổn hại âm đức của Đại vương
đi?
Phù Sai nghe vậy liền ban lệnh cho Câu Tiễn được trở về gian
nhà đá như cũ. Tuy nhiên bệnh tình của Phù Sai vẫn là mối lo của Câu
Tiễn, ông nhờ Phạm Lãi bói thêm một quẻ nữa xem tình hình ra sao.
Phạm Lãi bói xong liền cho biết:
– Theo quẻ bói thì số của Phù Sai còn làm vua được mấy năm
nữa. Bệnh này đến ngày Kỷ Tị thì bớt chút ít, đến ngày Nhâm Thân thì
khỏi hoàn toàn. Nhân cơ hội này chúa công nên xin vào vấn an, chịu
nhục nếm phân mà đoán bệnh theo quẻ bói. Nếu Phù Sai qua khỏi thì
sẽ hết sức cảm động mà tha tội cho chúa công vậy.
Câu Tiễn ứa nước mắt, khóc mà nói:
– Dù sao ta cũng là vua một nước, bây giờ có chịu nhục đến đâu
cũng được nhưng việc này quá sức, làm sao ta có thể thi hành được?
Phạm Lãi cũng khóc theo, cố thuyết phục:
– Trước kia Trung vương giam giữ Văn vương ở Dũ Lý rồi giết
con là Bá Ấp Khảo đem làm mắm. Thế mà Văn vương cũng chịu được
đau đớn nhục nhã ăn thịt của con. Việc này tuy nhơ bẩn nhưng nếu
quyết tâm tìm sự sống để quật cường trở lại thì tôi nghĩ chúa công có
thể nghiến răng mà làm được, xin đừng câu nệ tiểu tiết mà hỏng hết
đại sự.
Câu Tiễn phân vân suy nghĩ mãi mới chấp nhận lời khuyên của
Phạm Lãi, xin Bá Hi tiến dẫn cho mình được vào vấn an Phù Sai. Lúc