Phù Sai vừa nhìn thấy lập tức quát bảo nội thị đưa Câu Tiễn vào
phía sau tắm rửa, thay quần áo mới cho xứng đáng với địa vị của vua
một nước. Triều thần thấy vậy đều tung hô khen ngợi Phù Sai khoan
dung độ lượng khiến ông ta rất đắc chí, nhân lúc ngà say liền tuyên bố
sẽ cho Câu Tiễn về nước. Ngũ Viên bị bất ngờ không sao phản ứng kịp
bởi vì lời của nhà vua đã ban ra, nếu đứng ra chống lại thì mang tội
khi quân nên hầm hầm bỏ ra khỏi tiệc, không nói lời nào. Bá Hi nhân
cơ hội ấy bèn nói móc:
– Đại vương là bậc đại nhân mà Câu Tiễn là bậc đại hiền, vì vậy
Tướng quốc không dám ngồi chung là phải lắm! Ha ha!
Câu nói này rất lọt tai nên Phù Sai hài lòng, không thèm để ý đến
Ngũ Viên nữa, mấy hôm sau mở tiệc ở Sà Môn để tiễn Câu Tiễn về
nước. Thật sự Câu Tiễn cũng không thể tin mình được tha dễ dàng như
vậy, trong lòng hồi hộp không yên mãi khi đoàn xe về đến Tích giang,
nhìn thấy triều thần do Văn Chủng dẫn đầu đứng chờ đón thì mới biết
mình không nằm mơ. Lần trước Câu Tiễn đại bại ở Cối Kê nên về
nước rồi quyết định xây dựng lại thành trì ở đó để mãi mãi nhớ đến sự
nhục nhã, đồng thời trao hết toan tính cho Văn Chủng và Phạm Lãi.
Phạm Lãi được trao toàn quyền về binh bị, lập tức huy động dân
chúng xây dựng thành Cối Kê, ba mặt đều hết sức chắc chắn, chỉ riêng
mặt phía tây bỏ trống, nói với mọi người rằng như thế để tiện cho việc
triều cống nước Ngô, đồng thời cũng biểu thị ý là không hề đề phòng
quân Ngô. Thật sự, Phạm Lãi cố ý để trống là sau này dễ dàng tiến
quân mà không ai nghi ngờ gì được. Nhờ Văn Chủng chấn chỉnh quốc
chính, Phạm Lãi ra sức chiêu binh mãi mã, huấn luyện cực kỳ tinh mật
mà chẳng bao lâu nước Việt đã hùng mạnh lên thấy rõ nhưng bề ngoài
vẫn tỏ ra nghèo đói, không để lộ chút tin tức gì cho Phù Sai hay biết.
Từ khi về nước, Câu Tiễn không ngày nào quên mối thù nhục
nhã, hạ lệnh cho treo một trái mật ngay nơi làm việc, lâu lâu lại nếm
một ít để vị đắng nhắc nhở mối thù. Khi ngủ, Câu Tiễn sai người tìm
một số cây gai trải làm nệm, nằm trên đó mặc cho đau đớn, luôn