cung điện này nhiều không kể xiết nhưng Phù Sai vẫn sợ rằng Tây Thi
chưa vừa lòng, đặc biệt cho xây dựng Tây Thi động, phải đào sâu vào
trong núi đá, tạo lập một cảnh sắc riêng biệt giống như tiên cảnh, vì
vậy vô cùng khó nhọc và tổn phí không sao tính nổi.
Từ khi có Tây Thi, hầu như Phù Sai vắng mặt ở triều đình, không
ở Tây Thi động thì cũng Cô Tô đài, chỉ đặc biệt cho Bá Hi vào vấn an
còn lại bất cứ đại thần nào từ Ngũ Viên trở xuống đều từ chối không
tiếp. Triều chính nước Ngô bắt đầu suy sụp hôn ám, bọn tham quan lợi
dụng cơ hội này ra sức vơ vét của cải khiến người dân đã quá lao đao
vì phải phục dịch cho Phù Sai nay còn bị bóc lột đến mức đói khổ điêu
linh, cả nước vang lên tiếng kêu oán than mà Phù Sai làm sao nghe
được?
Phạm Lãi từ giã triều Ngô về nước, để lại một số tay chân thân
tín làm gián điệp dò la tin tức, đồng thời mau chóng báo về nên bao
nhiêu việc tồi tệ ở triều Ngô đều nắm rõ, bàn với Văn Chủng tiến hành
kế sách tiếp theo. Văn Chủng liền cho người sang Ngô xin mượn một
vạn thạch thóc, hứa rằng đúng ngày này năm tới sẽ trả lại. Ngũ Viên
cực lực phản đối việc này, liên tiếp dâng hàng chục tấu thư nhưng Phù
Sai không hề để mắt tới, vui vẻ chấp thuận yêu cầu của Văn Chủng.
Năm sau nước Ngô bị mất mùa, Phù Sai chưa kịp hỏi thì nước
Việt đã mau chóng mang số thóc mượn đến trả, số lượng lên đến hai
vạn chứ không phải một vạn làm cho Phù Sai càng thêm tin tưởng
rằng nước Việt luôn luôn trung thành với mình. Thật sự số thóc ấy
Văn Chủng đã ngầm cho người nấu lên, nóng đến một mức độ nhất
định, nhìn bề ngoài không hề thấy khác lạ nhưng hoàn toàn đã chín
rồi. Do vậy khi người dân Ngô dùng số thóc ấy gieo trồng thì chỉ tốn
công vô ích, nạn đói càng thêm hoành hành.
Tin tức này lọt đến tai Phù Sai, thế nhưng nhà vua đã quá u mê,
cho rằng việc thóc giống không thành cây lúa là vì phong thổ khác
nhau chứ không phải nước Việt dụng tâm xấu. Đến khi Ngũ Viên tâu