Đại tướng như Tào Cô, Tư Môn Sào đều tử trận. Phù Sai rút vào thành
cố thủ, bất đắc dĩ phải sai Công Tôn Lạc làm sứ giả sang quân doanh
nước Việt cầu hòa lần nữa.
Lời lẽ của Công Tôn Lạc rất nhũn nhặn, chịu hết những điều kiện
sỉ nhục khiến Câu Tiễn nghĩ đến lúc sa cơ của mình trước kia cũng
xúc động, đã toan bằng lòng thì Phạm Lãi bước ra ngăn cản, nói:
– Không được, thần đã từng chủ trương thời cơ chỉ đến một lần,
cần lợi dụng thời cơ ấy để tiêu diệt tận gốc ngọn. Nay nếu chúa công
chấp nhận cầu hòa thì thần e rằng chỉ trong vòng 5 năm, mối nhục Cối
Kê sẽ tái diễn.
Nghe đến tên Cối Kê, bao nhiêu oán hờn bừng dậy, Câu Tiễn liền
cự tuyệt đề nghị giảng hòa của Phù Sai. Thế nhưng Phù Sai không còn
cách nào khác, một mặt cố chống đỡ, một mặt vẫn sai sứ giả đến
thuyết phục xin cầu hòa, đi lại đến 7 lần vẫn không sao lung lạc được
Câu Tiễn, Công Tôn Lạc phải vừa bưng mặt khóc vừa cùng phái đoàn
sứ giả trở về thành. Tuy nhiên, thành Cô Tô vẫn còn rất vững chắc,
nhiều lần quân Việt không tấn công mà sao phá nổi khiến Phạm Lãi vô
cùng lo lắng.
Chợt một đêm Phạm Lãi và Văn Chủng cùng mơ một giấc mộng
giống hết như nhau, đó là Ngũ Viên mũ áo chỉnh tề như lúc còn sống,
đến nói rằng: “Nước Ngô đã hết mệnh, ta tuy là trung thần của Ngô
nhưng vẫn không sao cãi được số trời. Các ông cứ dẫn quân theo
Đông môn thì sẽ đoạt được thắng lợi”. Nói xong hồn của Ngũ Viên
biến mất. Sáng hôm sau Văn Chủng và Phạm Lãi kể lại cho nhau
nghe, hết sức kinh ngạc nhưng vẫn tiến hành theo lời chỉ dẫn của Ngũ
Viên.
Chẳng biết tại sao hay là quả do trời định mà Đông môn lúc ấy
không hề có quân nước Ngô canh giữ, đại quân của Phạm Lãi tràn vào
hết sức dễ dàng. Cuộc tiến công này bất ngờ đến mức lúc ấy Phù Sai
chưa kịp ăn cơm, đành để bụng đói cùng một số quân tướng quần thần