chạy đến Dương sơn. Bá Hi không chạy theo vị vua sắp mất nước mà
mau lẹ đầu hàng quân Việt để bảo toàn tính mạng.
Khi ấy quân Việt đã vây chặt Dương sơn, Phù Sai không còn
cách nào khác đành phải buộc thư xin đầu hàng vào đầu mũi tên bắn ra
ngoài thành. Lần này Câu Tiễn cũng toan chấp nhận nhưng Phạm Lãi
cương quyết phản đối, đáp lại bằng một bức thư khác hạch ra 6 tội lớn
của Phù Sai, mà trong đó tội thứ 6 là “quên kẻ thù của tiên vương, tức
tội bất hiếu không thể tha thứ”. Phù Sai đọc xong thư của Phạm Lãi,
quá hổ thẹn, tự đâm cổ mà chết. Trước đó Phù Sai cũng nhớ tới Ngũ
Viên, phải lấy lụa che mặt để khi chết không dám nhìn Ngũ Viên nơi
chốn suối vàng nữa.
Đây chính là kế sách khích động của Phạm Lãi khiến Phù Sai
phải tự xử, Câu Tiễn không phải xuống tay giết chóc mà mang tiếng
với chư hầu. Sau khi Phù Sai chết rồi, quân tướng dưới quyền đương
nhiên tan rã, quân Việt không tốn xương máu vẫn ung dung chiếm
được toàn bộ nước Ngô. Câu Tiễn làm lễ an táng Phù Sai rất trọng
hậu, theo lễ nghi vương hầu ở ngay Dương sơn, nơi mà trước kia Phù
Sai rất thích đến đó hưởng lạc. Riêng Bá Hi là tên gian thần đáng
khinh, Câu Tiễn liền xuống lệnh giết toàn bộ gia tộc của hắn để làm
gương cho các tôi thần.
Nhờ chiến công lừng lẫy này, Câu Tiễn được các chư hầu nể sợ
mà tôn lên làm Bá chủ, đồng thời cũng được Thiên tử nhà Chu mời về
triệu kiến. Công thành danh toại xong, Câu Tiễn cũng giống như các
vị Vương hầu khác, bắt đầu cho xây dựng nhiều cung điện lâu đài,
tráng lệ nhất là Hạ đài ở ngay Cối Kê.
Phạm Lãi có công lớn nên được phong làm Đại tướng, nắm hết
binh quyền trong tay. Thế nhưng ông là người minh trí, tự biết “thỏ
chết thì ná cũng dẹp bỏ” nên tự ý từ chức, cáo quan về quê tĩnh dưỡng
tuổi già. Câu Tiễn đời nào để mất một danh tướng như Phạm Lãi, vả
chăng nếu so ra thì ông vẫn còn tráng kiện khỏe mạnh, đâu đến nỗi
phải dưỡng già nên nhất quyết không chấp nhận việc từ quan. Phạm