này Bạch Khởi dùng kế sách “tốc chiến tốc thắng” bí mật cho quân
tiến nhanh như vũ bão khiến các tướng Triệu-Ngụy không kịp trở tay,
đến mức Bạch Khởi bắt sống được một lúc 3 tướng lãnh, số binh sĩ
Triệu-Ngụy chết thôi vô số.
Thừa thắng xông lên, khi chưa kịp ổn định Hoa Dương, Bạch
Khởi lại tiếp tục tiến đánh đoàn quân chủ lực của nước Triệu do Giả
Yển chỉ huy. Đã biết tin tức những trận vừa qua, vừa nghe thấy tên
Bạch Khởi, quân nước Triệu đã hoảng loạn, thi nhau bỏ trốn nên quân
Tần càng hăng hái, cuối cùng dồn hơn hai vạn quân nước Triệu lọt vào
thế phải vượt sông tìm đường thoát, chết đuối không biết bao nhiêu
mà kể. Chính Ngụy Nhiễm cũng tự thân dẫn quân đi đánh chiếm được
đất Kiềm Trung thành ra nước Sở hầu như đã bị xóa tên danh sách các
nước hùng mạnh.
Con đường công danh của Bạch Khởi có thể còn tiếp tục dài thêm
nếu như không có một biến chuyển chính trị trong nội bộ triều Tần, đó
là việc mưu sĩ Phạm Thư, tên tự là Thúc vượt bao gian khổ mới đến
được nước Tần và được Tần vương trọng dụng. Phạm Chuy chính là
người đối đầu với Ngụy Nhiễm và cũng là người hại chết Bạch Khởi
sau này.
Ngay lần đầu tiên được Tần vương tiếp kiến Phạm Thư đã vạch
rõ những sai lầm của Ngụy Nhiễm:
– Nước Tần có địa thế hết sức hiểm trở, giáp binh hùng cường
vậy mà không sao làm nên bá chủ, tất cả đều do các đại thần toan tính
sai lầm. Thí dụ như Nhương hầu (Ngụy Nhiễm) sắp đem quân vượt
ngàn dặm, vượt qua đất Hàn, đất Ngụy chỉ vì muốn đánh Tề thì là việc
có hại, lợi cho Hàn, Ngụy mà hại cho Tần. Nếu thắng thì cũng tổn phí
quá nhiều, bằng như thua thì là nhục lớn, bao nhiêu công sức bấy lâu
nay đều vô ích. Theo tôi thì muốn kiêm tính thiên hạ thì chẳng gì hay
hơn là áp dụng kế sách “viễn giao cận công”, tức giao hảo với các
nước ở xa, thôn tính dần dần các nước ở gần như tằm ăn dâu, chẳng
bao lâu thiên hạ sẽ là của Đại vương vậy.