Đã vậy nước Tần hiện nay coi như là của Thái hậu và Nhương
hầu thì Đại vương có chí lớn đến đâu cũng chỉ là kẻ lệ thuộc mà thôi.
Tần vương như người ngủ mơ mới tỉnh, lập tức ngày hôm sau
cách chức của Ngụy Nhiễm, đuổi các cận thần của Thái hậu ra ngoài
cửa quan, riêng bà ta thì bị an trí không cho dự bàn chính trị nữa.
Đồng thời Tần vương cũng phong cho Phạm Thư làm Ứng hầu, thay
chức của Ngụy Nhiễm.
Theo kế sách của Phạm Thư, Tần vương triệu đoàn quân của
Bạch Khởi khi ấy đang ở nước Tề trở về để sửa soạn đánh chiếm hai
nước Hàn và Ngụy ở phía đông. Năm 264 trước Công nguyên, Bạch
Khởi tuân lệnh Tần vương tiến đánh nước Hàn, giết được hơn 5 vạn
quân địch, chiếm một lúc 5 thành trì bao gồm cả một phần nhỏ của
nước Tấn nằm sát cạnh. Có thể thấy rõ, càng tham gia chiến trận Bạch
Khởi càng phát huy hết sở trường quân sự của mình, hầu như chưa có
trận nào thua thiệt mà luôn luôn áp dụng phương châm “tốc chiến tốc
thắng” cũng như “diệt tận gốc ngọn” khiến bất cứ nước chư hầu nào
nghe thấy tên của ông đều kinh hồn bạt vía. Những trận đánh này mở
đầu cho một chiến công lừng lẫy trong lịch sử Trung Hoa cổ đại, đó là
trận Trường Bình.
Trước đó Tần vương vẫn theo kế sách “viễn giao cận công” kết
giao với nước Tề và Sở rồi mới ban lệnh cho Bạch Khởi xuất quân đi
đánh nước Hàn. Bạch Khởi mau chóng chiếm được đất Giã Vương rồi
tiến thẳng đến Thượng Đãng. Tướng chỉ huy ở Thượng Đãng là Phùng
Đình liệu bề khó có thể chống giữ, liền dâng Thượng Đãng cho nước
Triệu, hy vọng nhờ kế sách này nước Tần sẽ tức giận Triệu mà khoan
cho nước Hàn. Bình Dương quân ở Triệu hết sức can ngăn, bày rõ đó
là kế “giá họa” của Phùng Đình nhưng một công thần khác là Bình
Nguyên quân Triệu Thắng lại ủng hộ nên cuối cùng Triệu vương vui
vẻ tiếp nhận đất Thượng Đãng, phong cho Phùng Đình làm Hoa Lăng
quân, ban cho 3 vạn hộ thực ấp.