Có vài yếu tố gợi ra ảnh hưởng của các bằng chứng xã hội.
Những người có cùng nghề nghiệp với nhau đã từng mua sản
phẩm/dịch vụ của bạn có thể tạo ra một ảnh hưởng đáng kể trong
quyết định mua hàng. Những người có cùng hứng thú và sở thích
như bạn đã từng mua sản phẩm/dịch vụ của bạn sẽ có ảnh hưởng tới
quyết định mua hàng. Những người có cùng mối quan tâm, mong
muốn, nền tảng giáo dục, gia đình, tôn giáo và niềm tin chính trị
thường gợi ra quyết định mua hàng của bạn ngay lập tức.
Cũng như những người khác, khách hàng rất lười. Họ luôn luôn
tìm kiếm những con đường tắt, đặc biệt là để mua những thứ mà họ
có thể muốn hoặc cần. Nhưng họ có những chướng ngại tâm lý
khổng lồ trong việc cân nhắc xem liệu sản phẩm đó có phù hợp
không, có hiệu quả không, giá cả có hợp lý không, họ có đủ tiền để
mua không và nếu mua rồi thì sản phẩm/dịch vụ đó có đủ khả năng
để mang lại những kết quả hay lợi ích đã được cam kết không. Chọn
lọc từ tất cả những yếu tố này sẽ ngốn rất nhiều thời gian, đó là
lý do tại sao trong quy trình bán hàng thông thường, bạn sẽ cần tới
vài cuộc gặp để có thể trả lời tất cả những phản đối và quan tâm mà
khách hàng tiềm năng có thể có. Chỉ khi khách hàng tiềm năng của
bạn có thể đảm bảo ở mức cao rằng những nhu cầu của họ sẽ được
đáp ứng với mức giá đủ hợp lý họ mới chấp nhận mua sản
phẩm/dịch vụ mà bạn cung cấp.
Tuy nhiên, khi một người nào đó mà khách hàng tiềm năng biết
và kính trọng đã từng mua sản phẩm/dịch vụ đó, những người khác,
đổi lại, cũng thực hiện “công việc khó khăn” này. Người đã mua, được
mặc định là, đã kiểm tra sản phẩm/dịch vụ để đảm bảo rằng đó là
một lựa chọn tốt. Do vậy, khách hàng nghĩ rằng: “Tôi có thể mua
sản phẩm/dịch vụ này mà không cần phải hỏi gì thêm bởi những
người giống tôi đã mua nó.”