Cố gắng lắng nghe để lấy thông tin và những ý kiến chỉ trích giúp mình tiến
bộ. Hãy tự nhủ: “Đây là điều khó khăn nhưng là thứ mình cần phải nghe.”
Hãy gạt sang bên sự chỉ trích không công bằng chỉ với một câu nói đơn
giản: “Tôi rất tiếc khi ông thấy như vậy” hay “Tôi rất tiếc khi ông cảm
nhận như vậy.” Đừng bao giờ nói “Anh chưa bao giờ ủng hộ tôi cả và rõ
ràng như vậy đấy” hoặc “Anh lúc nào cũng chỉ trích công việc của tôi”.
Hãy cố gắng nói: “Tôi không nhận thấy đóng góp của mình được thừa
nhận.” Hãy trở thành người biện hộ tài ba cho chính mình. Ví dụ như:
“Theo những gì ông nói, tôi đánh giá cao việc ông coi tôi không phải người
cùng đội. Nhưng tôi nghĩ tôi vẫn là một thành viên. Khi tôi chỉ ra những
nỗi lo với một dự án thì tôi đang hướng tới sự thành công lâu dài của nó.
Tôi không có ý tiêu cực dù có thể ông thấy tôi như vậy. Chúng ta có thể
thảo luận về những nỗi lo này để ông không hiểu nhầm ý tôi được không?”
Hãy nhớ rằng: “Can đảm là cách chống lại sự sợ hãi, làm chủ sợ hãi chứ
không phải né tránh.” (Mark Twain)
Một cái tên ẩn chứa những gì?
Thật khó để tạo ấn tượng tốt hay xây dựng mối quan hệ lâu dài khi bạn hỏi
tên ai đó đến lần thứ hai, thứ ba hay thứ mười. Tìm hiểu người mình nói
chuyện cũng bắt đầu bằng việc biết tên của họ và đó là cách duy nhất để tạo
dựng mối quan hệ thấu hiểu lẫn nhau. Tên là dấu ấn cá nhân và ai cũng
thích nghe người khác gọi tên mình. Nếu bạn không biết cách phát âm tên
ai đó thì hãy hỏi một cách lịch sự. Không có gì tồi tệ hơn việc liên tục phát
âm sai tên của người khác.
Khi bạn chào một đối tác kinh doanh, khách hàng hay nhân viên mới bằng
họ của người đó, một lần nữa bạn nhấn mạnh sự quan tâm của mình. Tương
tự, khi bạn gọi ai đó (nhân viên của bạn hay bọn trẻ con) bằng tên của họ
thì bạn đã tạo ra một cuộc đối thoại nghiêm túc và ý nghĩa rồi đấy.