điều đó giống như chỉ cần có bốn bức vách và mái, đủ để che mưa che gió
là được. Chính vì vậy, dù Tengo có sửa chữa tác phẩm của cô thế nào,
Fukaeri cũng không bận tâm. Bởi mục tiêu của cô đã đạt được rồi. Câu nói
“anh muốn sửa sao thì sửa” có thể hoàn toàn thực lòng.
Mặc dù vậy, cách viết trong Nhộng không khí lại hoàn toàn không phải
kiểu hành văn chỉ nhằm một mình mình hiểu. Nếu mục đích của Fukaeri
chỉ là ghi chép lại những gì mình đã chứng kiến hay những thứ hiện ra
trong trí óc dạng thông tin, thì cô chỉ cần viết theo kiểu gạch đầu dòng theo
lối ghi chép là đủ. Cô đâu cần phải xây dựng một thiên truyện cho phiền
phức. Nên dù xét thế nào thì đây vẫn là thứ văn chương được viết với mục
đích để người khác cầm lên tay đọc. Vì thế, dù Nhộng không khí được viết
ra không phải với mục tiêu trở thành tác phẩm văn học, và mặc kệ lối hành
văn hết sức vụng về, nó lại sở hữu một sức mạnh lay động lòng người. Có
điều, người khác này, hình như không phải “Đám đông độc giả không xác
định” mà văn học hiện đại coi là đối tượng. Tengo càng đọc, cảm giác ấy
càng lúc càng mãnh liệt.
Vậy thì rốt cuộc cô ấy nhằm đến loại độc giả nào?
Đương nhiên Tengo không thể biết được.
Tengo chỉ biết rằng, Nhộng không khí là một tác phẩm hư cấu độc đáo,
đồng thời có cả những nét đẹp và những khuyết điểm lớn ngang nhau, và
còn hàm chứa một mục đích đặc biệt nào đó.
Kết quả của việc viết lại là số lượng chữ trong bản thảo đã phình lên gấp
hai lần rưỡi. Trong nguyên tác của Fukaeri, những chỗ viết chưa đầy đủ
nhiều hơn gấp bội so với những đoạn viết thừa, do đó muốn viết lại cho rõ
ràng, mạch lạc thì số lượng tổng thể dù gì cũng sẽ tăng. Nói gì thì nói, ban
đầu đây là một bản thảo sơ hở trăm bề. Giờ thì câu cú đã xuôi, ý tứ thống
nhất, quan điểm ổn định, và dễ đọc hơn nhiều. Nhưng dòng chảy xuyên
suốt của tác phẩm vẫn có cảm giác trì trệ. Logic quá lộ, sự sắc bén vốn có
ban đầu của bản thảo đã bị mài mòn.