“Nói cho cùng.” Người tình lớn tuổi tiếp lời, “Vì mình không thuộc về
thiểu số bị bài xích, mà đứng về những kẻ bài xích, thế nên ai nấy đều cảm
thấy rất yên tâm, thầm nhủ: chà chà, may mà đứa ở phía bên kia không phải
là mình. Dù là thời đại nào, xã hội nào, tình hình cơ bản đều giống nhau cả.
Đứng ở phía đa số thì không cần lo lắng sẽ gặp chuyện phiền phức.”
“Nếu đứng ở phía thiểu số thì ta sẽ thường xuyên nghĩ ngợi những
chuyện khiến người ta bận lòng.”
“Chính thế đấy.” Cô ta nói, giọng có chút u uất. “Có điều, trong hoàn
cảnh ấy, có lẽ ít nhất cũng có thể học được cách tự mình suy nghĩ.”
“Có thể là, khi tự biết động não rồi thì lại nghĩ toàn những chuyện khiến
người ta phiền muộn.”
“Đó đúng là một vấn đề.”
“Không cần nghĩ nhiều quá.” Tengo nói, “Cuối cùng cũng không có gì
nghiêm trọng đâu. Vì trong lớp thế nào cũng có mấy đứa biết dùng đầu
mình vào những việc chính đáng.”
“Đúng vậy.” Cô ta nói, sau đó lại trầm tư một mình. Tengo áp ống nghe
vào tai, kiên nhẫn đợi người bên kia đầu dây nghĩ cho kĩ càng.
“Cảm ơn mình, nói chuyện với mình một lúc, tâm trạng em đỡ hơn nhiều
rồi.” Một lúc sau cô ta nói, dường như đã nghĩ ra điều gì đó.
“Tâm trạng anh cũng tốt hơn chút ít.” Tengo nói.
“Tại sao?”
“Thì vì được nói chuyện với mình!”
“Thứ sáu tuần sau gặp nhé.” cô ta nói.
Gác máy, Tengo ra ngoài, đến siêu thị gần đó mua thực phẩm. Ôm cái túi
giấy về nhà, dùng màng bọc thực phẩm gói rau và cá cho vào tủ lạnh. Sau
đó, anh vừa nghe chương trình ca nhạc trên đài FM vừa chuẩn bị bữa tối.
Đúng lúc ấy, chuông điện thoại vang lên. Một ngày có đến bốn cú điện
thoại, đây là chuyện hết sức hiếm gặp đối với Tengo. Một năm chỉ xảy ra
vài lần. Có thể đếm trên đầu ngón tay. Lần này người gọi là Fukaeri.