đều không được như ý. Lúc nói chuyện với người khác (nếu không phải cố
ý làm vậy) mỗi lần chỉ nói được một câu. Muốn biến một người như vậy
thành nhà văn chuyên nghiệp, cho dù chỉ giả bộ, cũng hoàn toàn bất khả.
Kể cả khi anh viết lại Nhộng không khí một cách thành công, tác phẩm
giành giải Tác giả mới, có thể xuất bản, được đánh giá cao, thì cũng không
thể lừa dối mọi người mãi được. Dù ban đầu tất cả đều thuận lợi, nhưng
dần dà, chắc chắn người ta sẽ nhận ra “có gì đó bất thường.” Nếu lúc ấy sự
thực bị vạch trần, những người liên quan sẽ khó mà tránh khỏi thân bại
danh liệt. Sự nghiệp viết tiểu thuyết của Tengo cũng đứt đoạn trước cả khi
kịp bắt đầu.
Kế hoạch đầy sơ hở ấy đương nhiên không thể tiến hành thuận lợi được.
Ngay từ đầu anh đã có cảm giác như đi trên băng mỏng, nhưng đến giờ thì
cả cách so sánh ấy cũng đã trở nên quá nhẹ. Còn chưa đặt chân giẫm lên,
lớp băng ấy đã kêu răng rắc và nứt toác rồi. Về đến nhà, chắc anh đành phải
gọi điện báo với Komatsu: “Xin lỗi, anh Komatsu ạ, vụ này tôi phải rút
thôi. Thực sự quá nguy hiểm.” Đây mới là việc mà một người có thần kinh
bình thường nên làm.
Nhưng hễ nghĩ đến Nhộng không khí, Tengo lại thấy lòng dạ giằng co,
rối bời. Mặc cho kế hoạch của Komatsu có nguy hiểm thế nào, Tengo cũng
không thể dừng việc viết lại Nhộng không khí lúc này. Trước khi bắt tay
vào thì họa chăng có thể. Nhưng đã đi đến bước này thì không thể dừng lại
được nữa. Anh đã ngập sâu trong tác phẩm ấy. Đã hít thở bầu không khí
của thế giới ấy, thích nghi với trọng lực của nó. Tinh túy của câu chuyện đã
thấm sâu vào đến nội tạng anh. Câu chuyện khẩn thiết yêu cầu chính tay
Tengo viết lại, và anh cảm nhận được điều ấy một cách rõ rệt. Đây là việc
mà chỉ anh mới làm được, là một việc đáng làm, là một việc nhất thiết phải
làm.
Tengo nhắm mắt lại, không biết nên làm gì để đối mặt với tình huống
này. Anh thử tìm một kết luận tạm thời, nhưng không được. Một kẻ đang
giằng co, bối rối thì không thể nào đưa ra một kết luận hợp lý.
“Azami viết lại đúng những gì em kể à?” Tengo hỏi.