vọng’. Thi thoảng còn xuất hiện trên phương tiện truyền thông. Thời ấy quả
thực có nhiều thứ thú vị.”
“Sau đó, cùng với sự hạ màn của thập niên sáu mươi, thế giới dần trở
nên nồng mùi thuốc súng. Năm 1970, phong trào sinh viên đấu tranh chống
điều ước Anpo
bùng phát, trường đại học bị phong tỏa, rồi xung đột với
cảnh sát cơ động, và xảy ra những cuộc đấu tranh nội bộ đẫm máu, có cả
người chết. Chán nản mọi thứ, tôi quyết định rời khỏi trường đại học. Tôi
vốn không hợp với thứ chủ nghĩa kinh viện trong nhà trường, lúc ấy càng
thấy nản. Ủng hộ hay phản đối thể chế, sao cũng được. Mấy chuyện này
chẳng qua chỉ là sự đấu tranh giữa tổ chức với tổ chức. Tôi thì hễ là tổ
chức, dù lớn hay nhỏ, tôi đều không tin tưởng. Tôi đoán lúc ấy chắc cậu
vẫn chưa phải là sinh viên?”
“Lúc tôi vào đại học, sóng gió đã hoàn toàn lắng xuống.”
“Thế là sau khi vở kịch đã khép màn.”
“Đúng vậy.”
Thầy giáo nâng hai bàn tay lên cao giây lát, sau đó đặt lại xuống đầu gối.
“Tôi bỏ trường đại học, cha Fukaeri cũng rời trường hai năm sau đó. Khi
ấy, ông ta tin sùng tư tưởng cách mạng của Mao Trạch Đông, ủng hộ Đại
cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc. Còn mặt tàn khốc và phi nhân tính của
cuộc Cách mạng văn hóa ấy như thế nào thời bấy giờ hầu như không đến
được tai chúng tôi. Trích lời Mao Trạch Đông làm khẩu hiệu thậm chí đã
từng là một thứ thời thượng của một bộ phận trí thức. Ông ta tập trung một
số sinh viên, lập ra một đội ngũ cực đoan theo mô hình Hồng vệ binh, tham
gia bãi khóa. Các trường đại học khác cũng có sinh viên tin theo ông ta. Vì
thế, có một dạo quy mô tổ chức do ông ta lãnh đạo khá lớn mạnh. Do có
yêu cầu từ phía đại học, cảnh sát cơ động đã đột kích vào trường, ông ta và
đám học sinh kiên quyết chống cự nhưng đều bị bắt và bị truy cứu hình sự.
Nên về thực chất, ông ta bị trường đại học đuổi việc. Lúc ấy Fukaeri vẫn
còn rất nhỏ, hẳn là không có chút ký ức nào về những chuyện này.”
Fukaeri im lặng không nói gì.