điều khiến người ta hưng phấn. Nhưng nói thực lòng, tôi cảm thấy cô bé
này khó có lần sau. Tuy tôi bất tài, nhưng cũng ăn cơm nghề này hai chục
năm rồi. Trong thời gian đó cũng đã tận mắt chứng kiến đủ các loại tác giả
ồn ã xuất hiện rồi lại lặng lẽ ra đi. Ít nhất cũng nhìn ra được người nào có
lần sau người nào không. Thế cho nên, nếu để tôi nói, thì cô bé này không
có lần sau đâu. Cũng tội nghiệp đấy, nhưng thậm chí còn chẳng có lần sau
của lần sau nữa cơ. Mà cả lần sau của lần sau của lần sau cũng không nốt.
Trước tiên, thứ văn chương này của cô ta không phải loại cứ bỏ thời gian
rèn giũa là tiến bộ được. Cậu có đợi bao nhiêu lâu cũng vô dụng, chỉ uổng
công thôi. Tại sao tôi lại nói vậy, là bởi vì bản thân tác giả chẳng hề có ý
định viết văn cho hay. Cái thứ văn chương này, một là trời sinh đã có tài,
hoặc là sau này phải khổ công gắng sức mà học tập. Nhưng cái cô Fukaeri
ấy, lại chẳng được mặt nào. Giống như cậu thấy đấy, chẳng có tài hoa thiên
bẩm, mà hình như cũng chẳng có ý định nỗ lực gì cả. Tôi không biết tại
sao. Nhưng rõ ràng là cô ta chẳng hề hứng thú gì với văn chương. Cô ta có
mong muốn được kể chuyện, không sai. Thậm chí mong muốn khá mãnh
liệt là đằng khác. Điểm này thì tôi thừa nhận. Cái mong muốn đó, bằng
hình thức thô ráp, đã thu hút cậu, và khiến tôi đọc đến trang cuối cùng tập
bản thảo. Nhìn từ một góc độ khác, tôi không ngại gì nhận định rằng vậy là
rất giỏi. Nhưng dù thế, cô ta vẫn hoàn toàn không có tương lai trở thành
tiểu thuyết gia. Một chút tương lai bé bằng cục cứt con rệp cũng không có
đâu. Có lẽ điều này làm cậu thất vọng, nhưng nếu cho tôi phát biểu ý kiến
một cách thực lòng thì là như thế.”
Tengo nghĩ ngợi giây lát, cảm thấy Komatsu giải thích như vậy không
phải là không có lý. Nói gì thì nói, Komatsu cũng có trực giác của người
làm biên tập.
“Nhưng mà, cho cô ấy một cơ hội cũng không phải chuyện gì xấu, phải
không?” Tengo hỏi.
“Ý cậu là cứ ném xuống nước, xem xem cô ta nổi lên hay chìm xuống
phải không?”
“Nói một cách đơn giản thì là vậy.”