chặt thành một đường thẳng, ngủ rất bình yên. Tengo khép cửa lại, trở ra
bếp.
Nhưng anh không thể nào viết tiếp được nữa. Phong cảnh nơi bờ biển
hoang lương ở Sakhalin mà Chekhov miêu tả đã ăn sâu vào tâm thức anh.
Tengo có thể nghe thấy tiếng sóng biển đang gầm thét ấy. Vừa nhắm mắt
lại, anh liền một mình đứng bên bờ biển Okhotsk hoang vắng không vết
dấu của con người, trở thành tên tù đang đắm chìm trong trầm tư mặc
tưởng. Anh có thể cảm nhận được tâm tư u uất vì không có nơi dốc lòng ấy
của Chekhov. Chắc hẳn ở chốn góc biển chân trời ấy, ông đã bị một thứ
cảm giác bất lực áp đảo. Là một nhà văn Nga cuối thế kỷ mười chín, có lẽ
cũng đồng nghĩa với việc gánh trên lưng sứ mệnh dữ dội của kẻ cùng
đường mạt lộ. Họ càng muốn thoát khỏi nước Nga, nước Nga lại càng nuốt
chửng họ vào cơ thể rộng lớn của mình.
Tengo lấy nước rửa sạch ly rượu vang, vào nhà vệ sinh đánh răng, tắt đèn
bếp nằm xuống sofa, đắp chăn lên người, định bụng sẽ ngủ. Sâu trong tai
anh, tiếng sóng ầm ầm vẫn không ngừng vang động. Mặc dù vậy, không lâu
sau, ý thức anh dần trở nên mơ hồi, rồi anh bị kéo vào một giấc ngủ sâu lúc
nào chẳng hay.
Lúc anh tỉnh giấc thì đã tám rưỡi sáng. Trên giường không thấy Fukaeri.
Bộ đồ ngủ anh cho cô mượn vo viên thành một đống, ném vào máy giặt
trong nhà vệ sinh. Chỗ ống tay và ống chân vẫn còn xắn lên. Trên bàn bếp
có một lời nhắn viết bằng bút bi trên mẩu giấy nhớ: “Người Gilyak giờ thế
nào rồi. Em về nhà đây.” Chữ nhỏ, cứng và góc cạnh, nhìn có vẻ không
được tự nhiên lắm. Cảm giác như thể từ trên không quan sát những hàng
chữ xếp bằng vỏ sò trên bãi cát. Anh gấp tờ giấy lại, cho vào ngăn kéo. Nếu
để người tình đến lúc mười một giờ nhìn thấy, chắc chắn cô sẽ làm ầm lên.
Tengo dọn sạch giường, cất tác phẩm công phu của Chekhov lên giá. Sau
đó đi pha cà phê, nướng bánh mì lát. Vừa ăn sáng, anh vừa cảm thấy có thứ
gì đó cứ đè nặng trong ngực mình không chịu tan đi. Mất một lúc lâu mới
hiểu được đó là gì. Đó là gương mặt bình thản của Fukaeri.