nghiên cứu toán học là đủ rồi sao? Có phải em muốn nói vậy không?”
Fukaeri gật đầu.
“Ừm, cuộc sống thực tế không giống với toán học. Trong cuộc sống, sự
vật hiện tượng chưa chắc đã chảy xuống theo con đường ngắn nhất. Nên
nói thế nào nhỉ, đối với anh, toán học thực quá đỗi tự nhiên. Giống như
phong cảnh đẹp. Nó tồn tại ở đó, thậm chí không cần biến đổi thành bất cứ
gì khác. Vì vậy, khi đắm mình trong toán học, có lúc mình cảm thấy dần trở
nên trong suốt. Điều này thường khiến người ta thấy sợ hãi.”
Fukaeri không chớp mắt, nhìn chăm chú vào mắt Tengo. Như thể đang
áp mặt vào ô kính cửa sổ, tò mò quan sát bên trong căn phòng trống.
Tengo nói: “Khi viết tiểu thuyết, anh dùng ngôn từ, biến đổi phong cảnh
xung quanh thành những thứ tự nhiên hơn với anh. Tức là tái tạo. Thông
qua việc làm ấy, chứng minh rằng con người anh thực sự tồn tại trên thế
giới này. Cách làm này hoàn toàn khác biệt với lúc đắm chìm trong thế giới
của toán học.”
“Chứng minh sự tồn tại của mình,” Fukaeri nói.
“Cũng chưa thể nói là anh đã làm được điều đó,” Tengo đáp.
Dường như Fukaeri chưa chấp nhận được giải thích của Tengo, nhưng
cũng không nói gì thêm, chỉ đưa ly rượu vang lên môi, nhấp một hớp nhỏ,
không phát ra một chút âm thanh nào, giống như uống bằng ống hút.
“Nếu để anh nói, thì nhìn vào kết quả, thực ra em cũng đang làm việc
tương tự vậy thôi. Em biến đổi những sự vật mà đôi mắt nhìn thấy thành
ngôn ngữ, nhằm tái tạo chúng. Đồng thời qua đó xác nhận vị trí tồn tại của
mình,” Tengo nói.
Bàn tay cầm ly rượu của Fukaeri giữ nguyên bất động, ngẫm nghĩ giây
lát. Nhưng cô vẫn không nói ra ý kiến của mình.
“Đồng thời, em đã cho quá trình ấy một hình thức cụ thể, bảo tồn nó
dưới dạng tác phẩm,” Tengo nói, “Giả dụ tác phẩm này khơi gợi được sự
đồng cảm của vô số độc giả, vậy thì nó sẽ trở thành một tác phẩm văn học
có giá trị khách quan.”