đó. Nó lặng lẽ nằm trên giường, cơ hồ như lấp vào khoảng không gian
riêng mà cha anh tạm thời để lại sau lưng. Tengo đứng sững chỗ cửa phòng,
tay đặt lên nắm đấm cửa, nhìn chằm chằm vào vật thể kỳ quái đó một lúc.
Môi anh mấp máy, song chẳng nói nổi thành lời.
Đây là thứ gì vậy? Tengo ngây người ra, nheo mắt, tự hỏi chính mình.
Tại sao thứ này lại nằm ở đây, ở chỗ của cha anh? Hiển nhiên, không phải
do bác sĩ hay y tá mang đến. Xung quanh nó là một không khí đặc biệt xa
rời với hiện thực.
Ngay sau đó, Tengo chợt hiểu ra: đây là nhộng không khí.
Đây là lần đầu tiên Tengo tận mắt thấy nhộng không khí. Trong cuốn tiểu
thuyết Nhộng không khí, anh đã dùng lời văn miêu tả nó kỹ lưỡng, nhưng
dĩ nhiên anh chưa từng thấy vật thực bao giờ, cũng không cho rằng nó thực
sự tồn tại. Song trước mắt anh lúc này chính là nhộng không khí, hoàn toàn
giống hệt những gì anh tưởng tượng trong đầu và miêu tả dưới ngòi bút.
Như thể bị ai đó dùng kìm sắt kẹp chặt dạ dày, một cảm giác dường-như-
đã-từng-gặp-đâu-đó-rồi trào dâng mãnh liệt trong anh. Dẫu vậy Tengo vẫn
bước vào phòng, đóng cửa lại. Tốt nhất đừng để người khác trông thấy. Sau
đó anh nuốt ngụm nước bọt tích tụ trong miệng. Sâu trong họng anh phát ra
một âm thanh không tự nhiên.
Tengo chầm chậm nhích lại cạnh giường, cách khoảng một mét, cẩn
trọng quan sát cái nhộng không khí. Giờ thì anh biết chắc nó giống hệt hình
ảnh nhộng không khí như anh đã viết trong truyện. Trước khi động bút
miêu tả hình dáng của “nhộng không khí”, anh từng dùng bút chì phác một
bức ký họa đơn giản, chuyển hóa ý tưởng trong đầu thành hình thái thị giác,
rồi mới chuyển thành lời văn. Trong cả quá trình viết lại Nhộng không khí,
anh luôn dùng đinh ghim ghim bức tranh đó lên mặt tường trước bàn viết.
Xét về hình dạng, nó trông giống kén hơn là nhộng. Nhưng Fukaeri (và cả
Tengo cũng vậy) chỉ có thể dùng “nhộng không khí” để gọi thứ này mà
thôi.
Lúc đó, Tengo đã tự nghĩ ra và thêm vào rất nhiều đặc điểm về hình dạng
của nhộng không khí. Tỉ dụ như đường cong hõm xuống một cách thanh