năm 1978, Chrysler đã mời một nhà lãnh đạo mới tên là Lee Iacocca. Ông
đã thổi một luồng sinh khí vào những chiếc xe hơi, làm việc cật lực và tiến
tới nắm các vị trí của tập đoàn Ford. Mặc dù với chuyên môn là một kỹ sư,
song ông đã tình nguyện bắt đầu công việc của mình trong lĩnh vực kinh
doanh cho Ford ở Pennsylvania trong những năm 1940 và cuối cùng, ông
đã bước lên nắm vị trí lãnh đạo ở Dearborn Michigan. Trong thời gian đó,
ông đã lãnh đạo đội ngũ thiết kế, đưa ra những mẫu xe hơi đặc biệt như
Lincoln Continental Mark III và chủng loại Mustang, một trong những
chủng loại xe hơi nổi tiếng nhất trong lịch sử xe hơi.
Năm 1970, Iacocca trở thành giám đốc cho tập đoàn xe hơi Ford, chức vụ
cao nhất của công ty chỉ dưới quyền Chủ tịch Henry Ford II. Như vậy,
Iacocca đã làm việc cho công ty Ford trong suốt 32 năm. Và khi ông đi
khỏi công ty năm 1978, công ty Ford vẫn đang tiếp tục trong giai đoạn phát
triển với lợi nhuận lớn, trong hai năm cuối ông ở đó, công ty đã và tiếp tục
kiếm được 1,8 tỉ đô-la mỗi năm. Mặc dù cuộc chia tay không lấy gì làm hay
ho, do sự bất tương xứng giữa những thành quả cũng như cổ phần mà ông
đã đóng góp và xây dựng trong thời gian làm việc tại đây và những gì ông
nhận được khi ra đi, Iacocca vẫn hiểu rất rõ rằng ông đã có những thành
quả và vị trí rất tốt, và có lẽ ông sẽ chẳng bao giờ có một cơ hội khác nữa.
Tuy vậy, khi rời khỏi Ford, ông mới chỉ 54 tuổi và ông cũng nhận ra rằng
ông vẫn còn rất nhiều thứ có thể cống hiến.
LÃNH ĐẠO ĐỂ CỨU NGUY
Lời mời của Chrysler cho vị trí điều hành công ty vừa là cơ hội, nhưng
cũng là thách thức lớn cho cuộc đời ông. John Ricardo, Chủ tịch Hội đồng
Quản trị Chrysler sau này đã nhớ lại, lúc đó, ông đã nhận ra công ty cần
một nhà lãnh đạo giỏi giang để có thể tiếp tục tồn tại, vì có những vấn đề
nằm ngoài tầm kiểm soát của ông. Theo Iacocca, Ricardo đã biết rằng, mọi
thứ đã vượt ra khỏi khả năng của ông, cho nên ông muốn đưa cựu thành
viên của Tập đoàn Ford vào vị trí giám đốc điều hành cho Chrysler.