Việc làm bị cắt giảm triệt để, rất nhiều công nhân bị sa thải và được thuê lại
với tư cách là các lao động ngoài công đoàn với mức lương thấp hơn và
được hưởng ít quyền lợi hơn, và việc tăng lương đã bị cản trở (thường bằng
cách tái phân bổ hoặc thuê công nhân từ các quốc gia có mức lương nhân
công thấp, như Trung Quốc và Ấn Độ - hoặc đe doạ làm như vậy). Các nhà
cung cấp, và công nhân của họ, cũng bị gây áp lực bằng việc tiếp tục cắt
giảm trong giá mua sắm, trong khi chính phủ cũng bị gây sức ép hạ thấp
thuế suất doanh nghiệp và / hoặc cung cấp nhiều trợ cấp hơn, với sự trợ
giúp của việc đe doạ sẽ chuyển đến các quốc gia có thuế suất doanh nghiệp
thấp hơn và/hoặc trợ cấp kinh doanh cao hơn. Kết quả là tình trạng bất bình
đẳng về thu nhập tăng vọt (xem Vấn đề 13) và thời kỳ phát triển mạnh mẽ
dường như không có hồi kết của công ty (dĩ nhiên là có kết thúc vào năm
2007), đại đa số người Mỹ và Anh có thể chia sẻ sự thịnh vượng (hiển
nhiên) thông qua việc vay vốn với tỷ lệ lãi suất chưa từng có trong tiền lệ.
Việc phân phối lại thu nhập tức thời thành lợi nhuận đủ tồi tệ, nhưng phần
lợi nhuận tăng lên không ngừng trong thu nhập quốc dân từ những năm
1980 cũng không được chuyển thành các khoản đầu tư cao hơn (xem Vấn
đề 13). Đầu tư như là một phần của tổng sản lượng quốc dân (national
output) của Mỹ thực sự đã suy giảm, chứ không phải là tăng lên, từ 20,5%
trong những năm 1980 xuống còn 18,7% (1990 - 2009). Điều này có thể
chấp nhận được nếu tỉ lệ đầu tư thấp hơn này đã được bù đắp bởi việc sử
dụng nguồn vốn hiệu quả hơn, tạo ra sự tăng trưởng cao hơn. Tuy nhiên, tỉ
lệ tăng trưởng thu nhập bình quân theo đầu người ở Hoa Kỳ đã giảm từ
khoảng 2,6% mỗi năm vào những năm 1960 và 1970 xuống 1,6% trong
suốt giai đoạn 1990 - 2009, thời hoàng kim của chủ nghĩa tư bản vì lợi ích
cổ đông (shareholder capitalism). Ở Anh, nơi những thay đổi tương tự trong
tâm lý doanh nghiệp đang diễn ra, tốc độ tăng trưởng thu nhập theo đầu
người giảm từ 2,4% vào những năm 1960 - 1970, khi quốc gia này phải
hứng chịu “Căn Bệnh Anh”, xuống 1,7% trong giai đoạn 1990 - 2009. Do
vậy, việc điều hành công ty vì lợi ích của cổ đông thậm chí không có lợi cho
nền kinh tế theo nghĩa bình thường (nghĩa là, lờ đi việc tái phân phối thu
nhập theo hướng có lợi cho người giàu (upward income distribution)).