cọp chạy mất. Vì vậy, khi dân mình phá động rừng, cọp tản mác, kiếm nơi
khác mà hùng cứ. Rạch Cái Bần này lần hồi còn sót lại được ông Mun.
- Tại sao ông Mun dám ở lại?
- Vì ông thuộc về lại cọp già, đã từng chống chọi nhiều phen với loài
người. Cọp nhỏ thì đi. cọp già ở lại. Thứ già là thứ dữ. Mỗi rạch chỉ còn sót
lại một hai ông. Dân trong xóm đều quen mặt nên đặt tên. Có hai ông, Ông
Vện với Ông Mun. Vện là cọp đực. Ông Mun là cọp cái.
Trời đất dành riêng cho đôi cọp này số phận riêng. Trước hết xin nói
về ông Mun.
Thường ngày ông tới lui vàm Xẻo Gừa - một xẻo nhỏ, có cây gừa to
lớn, nhỏ gừa (rễ thòng xuống) buông xuống hàng trăm cây to bằng cổ tay,
bằng cây cột nhà. Ông Mun ngủ sát cốc, chung quanh có nhỏ gừa che chở
nhiều lớp.
Ông dạn lắm. Sáng đi, chạng vạng về. Tháng Tư năm đó, ông sanh
được bốn ông Mun con...
Thật là khủng khiếp, lạ thường. Xưa nay, cọp sanh một hay sanh đôi là
cùng. Ðàng này sanh tới bốn con. Dân làng nhìn nhau lắc đầu, tưởng tượng
một ngày kia bốn ông Mun nhỏ lớn lên, sung sức.
Phải đối xử bằng cách nào?
Bắt bốn ông Mun con chăng? Chuyện đó rất dễ. Ông Mun mẹ thường
đi tìm mồi, để bầy con bơ vơ ở gốc cây gừa. Nhưng mất con, ông Mun mẹ
sẽ đổ quạu, trả thù, gây nhiều chuyện bất an cho xóm.
Lo xa rồi lại nghĩ gần, ông thầy Râu, ông Hương Văn Huệ, ông Tri
Khách lừa bày ra một kế: bắt bớt ba, chừa lại một.
Thi hành xong, ba ông đem ba con cọp nhỏ về nhà. Xóm giềng rất đỗi
vui mừng. Nhưng ba ông không yên trí, sợ ông Mun mẹ đánh hơi theo tìm
con để trả thù...
Sau rốt, các ông mua nhang đèn về dựng bàn thờ trước nhà mà khấn
vái:
- Xin trình cúng ông Mun được hay: Thói thường xưa nay một mẹ thì
một con. Ðằng này, ông sanh tới bốn con. Dân làng chúng tôi lo sợ nên