- Ghê quá! Anh đừng giỡn!
Một cây dao dài chừng non thước tây. Cán dao ngắn. Lưỡi dao sáng
ngời, bên ngoài có thoa dầu mỡ, láng bóng. Cây dao được gói cẩn thận
trong cái vỏ bằng mo cau. Tư Cồ thủ bộ như hiệp sĩ thời trung cổ đang tuốt
thanh gươm khỏi vỏ. Lệ sực nhớ đến bọn cướp biển đang hươi ngọn mã
tấu:
- Kỳ quá! Anh giỡn hoài.
- Làm thiệt chớ đâu phải giỡn. Làm ăn mà. Có làm mới có ăn.
Lệ nói gắt:
- Tôi về bây giờ! Tôi xuống xuồng về nhà. Giỏi thì anh ở ngoài xứ này
một mình...
- Sao lại về? Tình chồng nghĩa vợ gì mà kỳ cục vậy? Chưa cực khổ,
đói kém mà lại bỏ chồng ra đi. Ở lại... bớ phu nhân!
- Ở lại để làm gì?
- Ðể làm ruộng.
- Xứ ngập lụt, mênh mông như biển, làm ruộng gì?
- Ruộng"Lò Bom!"
- Lò Bom là ruộng gì?
- Là ruộng Lò Bom, ông bà nói vậy tôi hay vậy. Chẳng có ai"thông
ngôn" tiếng đó. Tiếng Việt Nam.
- Lò Bom là gì?
- Ủa! Em hỏi cù cưa cù nhằng hoài vậy. Tôi cắt nghĩa rồi.
- Lúa Xom Mà Ca, ruộng Lò Bom. Em chưa biết lúa Xom Mà Ca à?
Tư Cồ giải thích:
- Ðất này hoang vu từ hồi tạo thiên lập điạ. Nghe đâu ông Mạc Cửu tới
khai khẩn vùng Hà Tiên nhưng ổng ưa ở vùng biển để lập chợ mua bán, lập
sòng bạc. Ruộng bỏ hoang. Thế là ông Mạc Cửu tiêu tan sự nghiệp. Chợ Hà
Tiên lần lần sụp đổ. Ông Mạc Cửu ở bên Tầu qua, đem theo nhiều quân sư
quạt mo nhưng chẳng ai chú ý tới chuyện làm ruộng. Họ chê đất này ngập
lụt. Họ dòm đất này rồi uống rượu, ngâm thơ, bày đặt đủ điều lăng nhăng.
Ðất này giáp mí với cái Ðông Hồ. Nghe đâu, mấy ông Tàu nói rằng ở Ðông
Hồ, ban đêm có tiên hiện xuống. Vợ chồng mình là tiên... ở gần Ðông Hồ.