Thế không có nghĩa là tôi muốn nói với người bạn trẻ đừng có thành
thật. Diễn viên mà đóng trò không thành thật thì chẳng làm nên được trò
trống gì trên sân khấu.
Đối với diễn giả cũng thế. Y phải thành thật. Y phải tin những lời mình
nói ra. Những gì ta nghĩ là thật sẽ mất phần hấp dẫn đi nếu ta không cảm
thấy thật.
Sau đây là vài lời khuyên thực tiễn.
Câu nói đầu tiên thốt ra phải có nhiệt điện thu hút công chúng.
Đừng có làm cho cử tọa bực mình vì những cử động thừa thãi. Hãy
bình tĩnh. Hãy làm các cử chỉ tự nhiên. Hãy chế ngự các tật riêng của mình
và hãy loại bỏ đi không thương tiếc.
Đừng đưa mắt nhìn lửng lơ trong phòng. Điều hay cả là bạn nên chọn
lấy một thính giả rồi nói chuyện nhắm vào y.
Chính tôi đã làm như thế trong một cuộc vận động tuyển cử, và tôi đã
gặt hái được kết quả tốt. Thính giả mà tôi chọn đã nhìn lại tôi với đôi mắt
như bị thôi miên khiến tôi tự cho mình là một nhà hùng biện cao hứng thực
sự. Chính y là người cuối cùng chấm dứt vỗ tay trong cử tọa.
Ngày hôm sau, tôi gặp y ngồi ở cửa trước nhà, trong lúc đi vận động
bầu cử. Lần này tôi thất vọng vì không làm cho y xúc động như trước. Bà vợ
ra cửa, vui vẻ chào tôi và cắt nghĩa : « Ông nói với y làm gì cho mệt hơi, y
điếc đặc có nghe đâu ».
Lòng kiêu hãnh của tôi xẹp ngay. Lời khuyên bảo rõ thật có ý nghĩa.
Người ta làm thế nào để sửa soạn một bài diễn văn ? Mỗi người tùy
theo phương pháp thích hợp với mình nhất. Tôi nêu ra đây phương pháp đã
đem lại cho tôi những kết quả tốt nhất.
Chỉ nên tin cậy ở sự làm việc, làm việc thật gắt gao. Uốn nắn mỗi câu
trong dự án diễn văn của bạn, sắp xếp tư tưởng rồi đánh dấu từng điểm một
những câu dài mà bạn định nói rõ trắng đen.