thể quên được cô ấy.
Mỗi khi nghĩ lại, tôi tự nhủ, cô Marie trở thành cô dạy trẻ chính là để
tiếp tục làm những gì cô ấy yêu thích trong cuộc sống, đó là sáng tạo, làm
ra những thứ đồ vật nho nhỏ có ích. Tôi đã yêu mến cô ấy ngay lập tức,
ngay từ buổi sáng đầu tiên của ngày học đầu tiên. Cô ấy luôn mặc những bộ
đồ do chính cô may, những chiếc áo len cô tự đan và những món đồ nữ
trang cô tự thiết kế. không một ngày nào trôi qua mà chúng tôi không có cái
gì đó mang về nhà: một con nhím bằng giấy bồi, một con mèo làm từ chai
đựng sữa, một con chuột trong vỏ quả hồ đào, dây treo các vật trang trí,
tranh vẽ, tranh màu nước, hình cắt dán... Cô không cần đợi đến Ngày Của
Mẹ để dạy chúng tôi sử dụng đôi tay của mình. Cô thường nói rằng một
ngày thành công là khi ta tạo ra được một thứ gì đó. Mỗi khi nghĩ về điều
đó, tôi tự nhủ rằng cái năm hạnh phúc ấy cũng là nguồn cơn mọi nỗi bất
hạnh của tôi, bởi chính từ lúc đó mà tôi hiểu ra một điều rất đơn giản:
chẳng có thứ gì trên đời làm tôi quan tâm hơn là đôi tay của mình và những
gì chúng có thể tạo ra.
Nói cho hết về Marie, tôi biết rõ có một điều mà cô ấy đã làm cho tôi.
Chính nhờ cô ấy mà năm lớp một, tôi đã học không đến nỗi tệ. Bởi vì cô ấy
hiểu tôi là đứa trẻ như thế nào. Cô ấy hiểu rõ rằng tôi chật vật ra sao khi
phải viết tên của mình và nước mắt tôi cứ chảy ra, rằng tôi chẳng nhớ nổi
cái gì và rằng đối với tôi, thật kinh hoàng khi phải đọc thuộc lòng một bài
đồng dao. Ngày cuối năm học, tôi đã đến chào từ biệt cô. Cổ họng tôi khô
lại và tôi chẳng nói được gì. Tôi chìa tay đưa tặng cô món quà của mình, đó
là một cái ống đựng bút tuyệt đẹp có một ngăn kéo để đựng những chiếc
kẹp giấy, một cái ngăn khác để đựng kim ghim, có cả một chỗ riêng để
đựng cục tẩy nữa. Tôi đang ngồi hàng giờ để làm và trang trí nó. Tôi thấy
rõ là cô ấy rất thích và cô có vẻ xúc động y như tôi. Cô bảo:
- Cô cũng vậy, cô có một món quà cho em, Grégoire...
Đó là một quyển sách lớn. Cô nói thêm: