đó phản hồi lại cho khách hàng, ví dụ như: “Ông Vương, tôi có thể hiểu ý của
ông thế này không ạ. Mấy vấn đề ông đề cập tới ban nãy đều liên quan đến
dịch vụ bảo hành, có phải ông rất quan tâm đến vấn đề này không?” Khách
hàng có thể sẽ nói: “Đúng vậy, trước kia chúng tôi từng gặp phải… cho nên
khá quan tâm đến các dịch vụ bảo hành sau bán hàng.” Tiếp đó, nhân viên bán
hàng sẽ tỏ vẻ đồng cảm: “Thì ra là thế, nếu là ông thì tôi cũng sẽ cảm thấy
như vậy thôi, nhưng nhân đây tôi cũng phải hỏi kĩ một chút, ban nãy ông vừa
đề cập đến vấn đề bảo hành sau bán hàng, cụ thể là gì ạ?”. Như vậy cuối cùng
nhân viên bán hàng có thể hiểu được điều mà khách hàng thực sự quan tâm
nằm ở đâu.
4. Chìa khóa để trở thành người biết lắng nghe chính là phải biết đặt
câu hỏi hay
Trên đây chúng ta đã cùng thảo luận về việc làm cách nào để có thể thiết
lập mối quan hệ hữu hảo thông qua lắng nghe, nhưng để làm được như vậy,
cần phải có một tiền đề là khách hàng phải chịu nói chuyện cho bạn nghe mới
được. Vậy thì, phải làm thế nào để khách hàng tình nguyện chủ động nói cho
bạn nghe đây?
Mấu chốt để trở thành người biết lắng nghe nằm ở chỗ chúng ta phải làm
một người biết đặt câu hỏi hay. Khi bạn nêu ra một chủ đề hấp dẫn, khách
hàng đương nhiên sẽ có hứng thú trả lời bạn, tiếp đó bạn cần phải lắng nghe
một cách nghiêm túc, tỉ mỉ, khách hàng sẽ vì thế mà có cảm tình với bạn.
Vậy thì, thế nào mới là đặt câu hỏi hay? Rất đơn giản, cứ hỏi về đề tài đối
phương thích là được.
THỨ TƯ, KHEN NGỢI KHÁCH HÀNG MỘT CÁCH THÍCH
HỢP
Người xưa đã dùng câu nói “Nói ngọt lọt đến xương” để khẳng định tầm
quan trọng của lời khen ngợi. Trong quá trình giao tiếp, thêm mấy câu ca ngợi
đối phương thường sẽ tạo ra được những hiệu quả bất ngờ.
Con người Á châu vốn rất tế nhị, kín đáo. Ngay cả khi yêu, bạn cũng khó
nói thành lời. Ví dụ như trong bộ phim Ngọa Hổ Tàng Long của đạo diễn Lí
An, nhân vật Lí Mộ Bạch do Châu Nhuận Phát thủ vai cũng phải đợi đến tận
khi sắp chết rồi mới bày tỏ tình cảm sâu đậm của mình với nhân vật Du Tú
Liên do Dương Tử Quỳnh đóng.
Nhiều người trong số chúng ta từ lâu không quen với việc khen ngợi người
khác, tới tận bây giờ hai chữ “khen ngợi” này dường như vẫn còn mang một ý
nghĩa tiêu cực, thậm chí còn bị coi như nịnh hót.
Điều kì lạ là, mặc dù chúng ta không quen khen ngợi người khác, cũng
không thích những người hay khen ngợi người khác, thế nhưng, nếu như có
người nào đó khen ngợi chúng ta, lúc đó chúng ta cũng cảm thấy cực kì vui
vẻ.
Khi bạn khen ngợi một người, ngoài miệng người đó nói: “Không đâu,
không đâu, do may mắn mà thôi”, nhưng trong lòng người đó sẽ rất đắc ý -
đây chính là bản tính con người.