gia đình của họ khiêu vũ ban đêm. À, hình như có chút phóng đại rồi đây.
Thực ra, xung quanh nhà tôi có bốn cây quýt khẳng khiu, một ao bùn có cá
vàng, một nhà thổ có những gái điếm chơi lính Mỹ gào thét đêm ngày,
nhưng ít ra nó không có những đống phế thải. Chẳng có chút lãng mạn nào
trong đống rác cả. Chúng chỉ là biểu tượng cho việc điên cuồng tái thiết nền
kinh tế sau chiến tranh. Những giấc mơ không bao giờ được chắp cánh từ
đống rác thải.
“Chúng ta sẽ cần một tiền sảnh lớn.” Tôi nói.
“Vớ vẩn. Cậu đang đùa đấy à? Cậu nghĩ mình có thể tổ chức một đại hội
văn nghệ bằng cách ngồi uống sữa vị cà phê và cười toe toét à? Chúng ta sẽ
làm gì? Thuê phòng tập thể dục của trường Bắc à?”
“Chắc chắn người ta không cho chúng ta làm vậy đâu.”
“Tất nhiên là không rồi. Thằng ngốc ạ.” “Ừm, vậy thì chúng ta gặp rắc
rối rồi.”
“Muốn tổ chức ở trung tâm Cộng đồng hay quảng trường Công dân hay
những nơi khác thì chúng ta phải xin giấy phép. Cậu phải soạn thảo bản
chương trình dài mà chúng ta sắp tổ chức, có đóng dấu cá nhân của người
chủ trì, Ken, cậu có con dấu cá nhân không?”
”Mẹ kiếp, mình chưa nghĩ đến những điều ấy.” “Thế còn vé, chúng ta sẽ
làm như thế nào đây?” “Thì chúng ta in vé rồi bán.”
“Không, ý tớ là chúng ta sẽ in nó ở đâu, nếu chúng ta đến bất cứ tiệm in
nào trong thành phố này, họ sẽ thông báo cho trường biết liền.”
Hắn đã đúng. Tôi nghĩ chắc là sẽ xoay xở được thôi. Nhưng dù sao cái
đầu óc thực tiễn của thằng xuất thân từ đống xỉ than này làm tôi tắt hẳn nụ
cười.
“Cậu muốn in tay không?” “Cả ngàn vé à?”
“Quên đi. Dù sao thì cũng không thể làm vé in tay được.”
Vấn đề không phải là in tay hay in rô-nê-ô, vì chúng tôi không phải gửi
thiệp mời sinh nhật hay tổ chức buổi tối vui chơi ở nhà người thân.