Đến Trương Bá Đoan (984 - 1082) đời Tống Thần Tông, thì Đơn Đạo đã
thành thục. Trương Bá Đoan viết quyển Ngộ Chân Thiên và Thiền Tông
Thi Kệ cũng chủ trương Minh Tâm Kiến Tính, và cũng chịu ảnh hưởng
Tham Đồng Khế. Trương Bá Đoan viết: Nếu muốn kết hợp với chí Đạo, thì
phải biết bản tâm mình (Dục thể phù chí Đạo giả, mạc nhược minh hồ bản
tâm). Thiền tông gọi Qui Căn phản Bản là trở về với cứu cánh không tịch
chi Bản Nguyên. Vương Trùng Dương, trong tập Kim Đơn Thi, gọi Qui
Nguyên Phản Bản, hay được Kim Đan là: Bản lai Chân Tính viết Kim Đan.
Ngoài chủ trương Minh Tâm Kiến Tính, còn chủ trương Tĩnh Định. Mà
Tĩnh Định thì Thiền Tông gọi là Vô Niệm Hành.
Các đơn gia chú trọng 2 phương diện: Một là Tu Tính và Tu Mệnh. Có
người chủ trương Tu Tính trước, tu mệnh sau; có người chủ trương Tu
Mệnh trước, tu Tính sau, có người chủ trương Tính Mệnh Song Tu v. v. . .
Hai là Thanh Tu và Song Tu. Người thì chủ trương Âm Dương sẵn có
trong con người, cho nên chủ trương Nhất Kỷ Thanh Tu; có người cho rằng
Âm Dương riêng rẽ nơi Nam Nữ, nên đề xướng Nam Nữ Song Tu. Những
chủ trương sai biệt đó đã chia thành Ngũ Phái ở Trung Hoa
(Nam Bắc, Trung, Tây, Đông Phái).
Nam Tông Phái chỉ những đơn gia theo chân Trương Bá Đoan.
Phái này chủ trương: Tiên Mệnh, Hậu Tính theo truyền thống nội đan mà
luyện Tinh hóa Khí, luyện Khí hóa Thần, luyện Thần hoàn hư, lại thâm cứu
Thiền Học, và muốn Liễu Triệt Tính Nguyên.
Về phương thức Tu Hành lại chia thành Thanh Tu và Song Tu hai phái.
Thanh Tu là phái của Bạch Ngọc Thiềm (1194 - 1229). Bach Ngọc
Thiềm theo tôn chỉ của Trương Bá Đoan, và giảng Đơn Đạo rõ ràng. Dạy
Bế Tức (Nhịn Thở), dạy Tĩnh Định, dạy Vong Tâm, dạy tìm Chân Tâm,
Nguyên Tính, và Chân Ý. Dạy dùng Chân Ý luyện hóa Tinh Khí Thần.