giác của anh khi đó như thế nào? Sự hoài nghi là một căn bệnh đang
lan tràn trong xã hội của chúng ta. Giống như bệnh ung thư, nó có
thể dẫn đến cái chết. Hãy thử lắng nghe các nhân viên trong công
ty anh nói về một nhân viên mới vào như thế này: “Anh đã thấy
thằng bé mới vào làm phòng kế toán chưa? Nó lúc nào cũng ngoác
ra cười, lúc nào cũng lăm le tìm cách mới để giải quyết các vấn đề
của công ty chúng taʺ. Hay là “Ôi dào, chỉ được cái toe toét! Đừng lo,
cứ để nó làm việc khoảng một tháng, và nó sẽ hết cười ngay thôi!ʺ
Những câu chuyện kiểu như vậy có thể lặp đi lặp lại bên những
tách cà phê ở rất nhiều công ty. Thế nhưng, tôi chưa từng nghe
thấy có lần nào một người lãnh đạo đi ngang qua và nói điều này
khi nghe thấy những câu nói đó: “Xin lỗi, các anh/chị đừng để tôi
phải nghe lại những điều này một lần nữa! Tại công ty chúng ta, tôi
muốn mọi người đồng tâm hiệp lực cùng chúng tôi để biến những
điều ʺcó thểʺ thành hiện thực và giữ nguyên tác phong đó trong
suốt cuộc đời nghề nghiệp của các anh/chị. Nhân tiện đây, nếu các
anh/chị không cảm thấy hứng thú với công việc hiện tại, có lẽ đã
đến lúc các anh/chị cần làm hồ sơ xin việc ở công ty khác được
rồi đấy!” Anh thấy mình có thể nói ra được những điều đó hoặc
đưa ra được thông điệp đó không? Tôi hy vọng là anh có thể làm
được. Muốn gửi đi thông điệp đó một cách thuyết phục, chính anh
cũng phải nhiệt tình hăng hái với công việc của mình và chứng tỏ
điều đó cho những người khác. Anh không nhất thiết phải chứng
tỏ điều này qua những hành động to tát mà chỉ cần qua những
hành động nhỏ bé nhưng kiên trì. Ngôn ngữ, cử chỉ, giọng điệu của lời
nói, những biểu lộ của niềm vui hay nỗi lo lắng là những biểu hiện
mà mọi người thường dựa vào để đánh giá anh thực sự cảm nhận về
công việc của mình như thế nào. Người lãnh đạo nào tỏ ra hào hứng
khi làm việc hàng ngày sẽ tạo ra được một môi trường làm việc mà
trong đó không có chỗ đứng cho sự hoài nghi.