-Quý vị hãy đeo cái xiên này, nó tượng trung cho lòng ái mộ của quả
nhân. Nó sẽ mở rộng cửa cho quý vị khắp nơi trong xứ Tây Tạng, và có giá
trị như một giấy thông hành ở bất cứ nơi nào quý vị muốn đi đến.
Kế đó, Ngài cầm lấy cái hộp ống dài đựng tờ văn bằng từ trên tay vị sư
trưởng và trao cho vị trưởng phái đoàn. Những cái xiên đều rất đẹp, làm
bằng vàng y có cẩn một viên ngọc bích ở giữa. Trên viên ngọc có khắc
bằng hình nổi bức chân dung vô cùng linh động và xem rất giống của đức
Đạt Lai Lạt Ma. Đức Thái Tuế và các vị Lạt ma cận thần đều là hiện thân
của sự khả ái và lịch sự, và chúng tôi không biết nói gì khác hơn là thốt ra
hai tiếng "cám ơn".
Kế đó, vị Lạt Ma hầu cận cho biết chúng tôi được mời dự dạ tiệc với đức
Đạt Lai Lạt Ma ngay tối hôm đó tại biệt điện.
Sau bữa dạ tiệc, câu chuyện lại xoay chiều về vấn đề những tấm bia đá
cổ lạ kỳ. Đức Đạt Lai Lạt Ma và viên lão thần đảm trách kho tài liệu cổ, do
sự trung gian của một viên thông ngôn, thuật lại cho chúng tôi nghe lịch sử
của những bia đá cổ mà chúng tôi đã ghi chép lại cẩn thận và kể lại sau đây.
Những bia đá này là do một vị sư Phật Giáo tìm ra được trong một cái
hầm ở dưới nền đất của một ngôi đền cổ đã điêu tàn ở xứ Ba Tư. Vị sư
thuật lại rằng y được hướng dẫn đến nơi chôn dấu những bia đá cổ do bởi
những tiếng hát dịu dàng êm ái vọng ra từ ngôi đền cổ, mà y nghe văng
vẳng bên tai trong khi tọa thiền. Bài hát rất du dương và giọng hát rất trong
trẻo đến nỗi làm cho nhà sư phải chú ý và tò mò. Nhà sư bèn đi về hướng
từ đó vọng ra tiếng ca và bước vào bên trong các hầm đá của một ngôi đền
cổ đã đổ nát. Giọng hát dường như xuất phát ra từ phía dưới hầm. Sau khi
xem xét kỹ lưỡng, và không thấy có một lối nào đi xuống phía dưới hầm,
nhà sư bèn quyết định tìm ra nguồn gốc xuất phát ra giọng hát.
Nhà sư mới tìm những đồ khí cụ thô sơ và bắt đầu đào xới trong những
đống gạch ngói đổ nát. Không bao lâu, y tìm thấy một phiến đá lớn dường