Dĩ nhiên, tôi không thể hé ra một lời nào với hắn rằng tôi đang
làm quà tặng cho bố mẹ. Tôi cất những bức tranh khuất mắt
hắn và ít nhắc về chúng, vì hắn phản ứng ngày càng thịnh nộ mỗi
khi tôi nói về cuộc sống ngoài kia, trước khi tôi bị giam cầm. “Bố
mẹ mày không yêu mày. Họ chẳng quan tâm đến mày, nếu không
thì họ đã trả tiền chuộc rồi,” hắn đã nói thế ngay từ đầu, vẫn còn
bực dọc mỗi khi tôi than nhớ bố mẹ đến dường nào. Thế rồi, vào
quãng mùa xuân 1999, quá trình cấm đoán bắt đầu: tôi không
được phép nhắc đến bố mẹ hoặc nói đến bất kỳ điều gì mà tôi
đã từng trải nghiệm trước khi bị giam cầm. Bố mẹ tôi, các chị và các
cháu tôi, trường học, chuyến đi trượt tuyết lần cuối, sinh nhật
lần thứ mười, ngôi nhà nghỉ mát của bố, mấy con mèo của tôi. Căn
hộ của gia đình tôi, những thói quen của tôi, cửa hàng của mẹ. Cô giáo
và các bạn học của tôi, căn phòng của tôi. Mọi thứ đã từng tồn tại
trước đó giờ đây trở nên cấm kỵ.
Cấm đoán quá khứ của tôi đã trở thành một việc không thiếu
được trong những lần hắn xuống hầm gặp tôi. Mỗi khi tôi nhắc
đến bố mẹ, hắn liền nổi cơn điên. Khi tôi khóc, hắn tắt đèn và
bỏ tôi trong bóng tối cho đến khi tôi “ngoan” trở lại. “Ngoan” có
nghĩa là tôi phải biết ơn về việc hắn đã “cứu” tôi thoát khỏi cuộc
sống trước đây.
“Tao đã cứu mày. Bây giờ mày thuộc về tao,” hắn nhắc đi
nhắc lại. Hoặc: “Mày không còn gia đình thân thích nữa. Tao là
người thân của mày. Tao là bố mày, mẹ mày, bà nội và các chị của
mày. Bây giờ tao là tất cả của mày. Mày không còn quá khứ nữa.”
Hắn nhồi luận điệu đó vào đầu tôi. “Mày nên biết điều với tao.
Mày may mắn được tao cứu vớt và tận tình chăm sóc. Bây giờ mày
thuộc về tao. Tao đã tạo ra mày.”